Xã hội

Khảo sát về đời sống của người dân tộc thiểu số thoát nghèo tại xã Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 22-11, Đoàn khảo sát do bà Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai làm Trưởng đoàn đã khảo sát tình hình đời sống của người dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo giai đoạn 2019-2022 tại xã Kon Pne, huyện Kbang.
Đoàn khảo sát tìm hiểu về đời sống của người DTTS thoát nghèo tại xã Kon Pne. Ảnh: Đinh Yến

Đoàn khảo sát tìm hiểu về đời sống của người DTTS thoát nghèo tại xã Kon Pne. Ảnh: Đinh Yến

Tham gia Đoàn khảo sát có đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND huyện Kbang và hệ thống chính trị xã Kon Pne.

Đoàn đã khảo sát trực tiếp tại một số hộ thoát nghèo, tái nghèo của xã Kon Pne. Đồng thời, tìm hiểu về chất lượng đời sống, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản giảm nghèo đa chiều, vốn vay, việc làm, tiếp cận truyền thông giảm nghèo thông tin, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo...

Báo cáo với Đoàn khảo sát, ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-cho biết: Xã Kon Pne hiện có 427 hộ sinh sống tại 3 làng Kon Kring, Kon Hleng và Kon Ktonh. Tính đến giữa tháng 11-2023, xã còn 177 hộ nghèo, 115 hộ cận nghèo. Từ năm 2019 đến 2022, toàn xã có 59 hộ thoát nghèo, nhưng lại có 26 hộ tái nghèo. Nguyên nhân tái nghèo là do các hộ chưa đạt các tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Thu nhập của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp, song lại ít đất sản xuất, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Từ tháng 6-2021 đến nay, xã Kon Pne ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, nhiều chương trình hỗ trợ ưu tiên bị cắt giảm, đời sống người dân lại càng khó khăn hơn. Hiện toàn xã có hơn 20 giáo viên, công chức, nhân viên y tế bỏ việc vì lương thấp, không đảm bảo cuộc sống. Năm 2023, có 3 giáo viên trúng tuyển biên chế được phân công về công tác tại xã Kon Pne thì 2 giáo viên không đến nhận công tác. Xã còn thiếu 1 kế toán nhưng không có ai nộp hồ sơ thi tuyển vào vị trí này.

“Căn cứ vào tình hình đời sống kinh tế còn quá nhiều khó khăn của địa phương với 99% dân số là người DTTS, chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho xã các chính sách như xã đặc biệt khó khăn để địa phương có thêm điều kiện vươn lên” - Chủ tịch UBND xã Kon Pne nêu ý kiến.

Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cũng cho biết: Huyện Kbang có 14 xã, thị trấn, với tổng số 18.286 hộ dân, trong đó có 2.059 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 11,26%), 1.870 hộ nghèo là người DTTS (chiếm 90,82% tổng số hộ nghèo toàn huyện); 3.164 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 17,30%). Công tác giảm nghèo trong những năm qua luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, tình hình đời sống của người DTTS thoát nghèo trên địa bàn huyện còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra. Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 185 hộ tái nghèo. Nguyên nhân tái nghèo là do thiếu đất sản xuất, phương thức sản xuất lạc hậu, một bộ phận người dân còn lười lao động, thiếu việc làm, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, đề nghị Đoàn khảo sát nghiên cứu tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo, tránh hiện tượng tái nghèo.

Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đỗ Thị Hương Lan kết luận buổi khảo sát. Ảnh: Đinh Yến

Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đỗ Thị Hương Lan kết luận buổi khảo sát. Ảnh: Đinh Yến

Kết luận buổi khảo sát, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đỗ Thị Hương Lan ghi nhận những khó khăn trong việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững của xã Kon Pne và huyện Kbang; trong đó có kiến nghị tỉnh nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ thoát nghèo là người DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm giúp họ có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm