Xã hội

Khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, chế độ chính sách tại Sở Y tế Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 25-10, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai tiến hành khảo sát “Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022” tại Sở Y tế tỉnh Gia Lai.

Đoàn khảo sát do ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan. Làm việc với đoàn khảo sát có lãnh đạo Sở Y tế, các phòng chuyên môn, đại diện bệnh viện công lập tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.

Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: Như Nguyện

Báo cáo về kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập, ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thông tin: Về hệ thống y tế, tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 Chi cục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp y. Tuyến huyện có 17 trung tâm y tế và 220 trạm y tế tuyến xã. Ngành Y tế triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính từ năm 2019; giai đoạn 2019-2021 có 4 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động chi thường xuyên; 21 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 2 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động chi thường xuyên.

Từ năm 2022, có 27 đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính, trong đó số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2): 5 đơn vị; số đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3): 20 đơn vị. Số đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 4): 2 đơn vị.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã tạo quyền chủ động cho các đơn vị trong quản lý chi tiêu tài chính; từng bước giảm bớt sự can thiệp của cơ quan quản lý ở cấp trên. Thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đã gắn với hiệu quả chất lượng công việc. Bên cạnh những thuận lợi còn có khó khăn, đó là: Cơ sở vật chất một số đơn vị xuống cấp, trang thiết bị kỹ thuật cao còn thiếu, bác sỹ chuyên khoa sâu còn thiếu. Một số trung tâm y tế huyện thiếu các thiết bị y tế kỹ thuật cao như siêu âm màu, X quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động… nên không thu hút được bệnh nhân, nguồn thu của đơn vị giảm.

Các bệnh viện được giao tự chủ song trên thực tế chưa tự chủ do còn nhiều ràng buộc. Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí trong khi các bệnh viện phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên nên ảnh hưởng đến việc cân đối thu-chi của bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có nguồn thu thấp. Thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh báo cáo việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động. Ảnh: Như Nguyện

Ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh báo cáo việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động. Ảnh: Như Nguyện

Dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021; số lượt người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập giảm đáng kể, dẫn đến các đơn vị thiếu hụt nguồn thu. Kinh phí thiếu hụt của hệ bệnh viện trong năm 2022 là 72.564 triệu đồng.

Đến năm 2022, toàn ngành có 927 bác sĩ (294 bác sĩ có trình độ sau đại học); có 316 dược sĩ (88 dược sĩ đại học và sau đại học)). Nếu như năm 2015, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 7,18 và 80% xã có bác sĩ thì đến năm 2022 đạt 8,4 bác sĩ/vạn dân và 93% xã có bác sĩ. Về chế độ, chính sách, hơn 10 năm qua, đã nhiều lần tăng lương tối thiểu chung nhưng một số phụ cấp đặc thù cho ngành Y tế không có sự thay đổi, chưa tương xứng với trách nhiệm và mức độ lao động, chưa thực sự động viên khuyến khích được cán bộ làm phẫu thuật yên tâm công tác trong các cơ sở y tế công lập, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cán bộ có trình độ cao chuyển từ cơ sở y tế công lập ra các cơ sở y tế tư nhân.

Tại buổi làm việc, ngoài kiến nghị một số chính sách liên quan, Sở Y tế tỉnh Gia Lai kiến nghị Trung ương xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm, ngoài ra theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ sau khi ra trường phải học thêm 18 tháng tại các bệnh viện lớn mới được cấp chứng chỉ hành nghề y; trong khi các đại học khác có thời gian đào tạo ngắn hơn. Đề nghị có chính sách ưu đãi về lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đặc biệt, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến cho cán bộ y tế làm việc tại khu vực, địa bàn khó khăn. Đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn Luật khám bệnh, chữa bệnh, tính đúng tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh; xây dựng, hoàn thiện quy trình chuẩn về chuyên môn, làm cơ sở trong thanh quyết toán BHYT, tránh tình trạng xuất toán BHYT. Tập huấn nâng cao kỹ năng về quản lý, kinh tế y tế, tài chính y tế, quản trị bệnh viện cho lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của các đơn vị...

Ông Nguyễn Hữu Thọ- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa, thành viên trong đoàn khảo sát nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Ông Nguyễn Hữu Thọ- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa, thành viên trong đoàn khảo sát nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Đối với tỉnh; Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu ban hành cơ chế chính sách thu hút và chế độ ưu đãi đối với cán bộ ngành Y tế, đặc biệt là cán bộ y tế có trình độ cao, nhân viên y tế công tác tại tuyến xã. Hỗ trợ kinh phí hàng năm cho các đối tượng thuộc diện quy hoạch đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, bảo đảm các điều kiện thu hút cán bộ chất lượng cao về tỉnh làm việc và ổn định đời sống viên chức, yên tâm công tác. Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm bố trí các nguồn vốn đầu tư công đảm bảo đủ kinh phí trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho các Chương trình, dự án phát triển sự nghiệp Y tế. Sở Nội vụ tham mưu xây dựng các qui định về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ thầy thuốc, cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại địa bàn. Sở Tài chính cân đối theo khả năng ngân sách của tỉnh tham mưu cấp thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện Đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030

Tại buổi khảo sát, đoàn đã nghe các ý kiến của các y, bác sĩ. Các đại biểu trong đoàn khảo sát cũng tập trung làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế tỉnh.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh kết luận buổi khảo sát. Ảnh: Như Nguyện

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh kết luận buổi khảo sát. Ảnh: Như Nguyện

Kết luận tại buổi khảo sát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của ngành Y tế và qua đó đoàn sẽ tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Trong việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan, những vấn đề cần thiết, cấp thiết, ngành Y tế cần chủ động tham mưu, đề xuất để tỉnh xem xét, kịp thời có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp.

Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh nhấn mạnh: Sở Y tế là đơn vị quản lý ngành vì vậy cần củng cố, tăng cường trong công tác quản lý ngành từ tỉnh đến cơ sở; rà soát, xem xét các chức danh lãnh đạo còn khuyết thiếu nhanh chóng bổ sung. Về công tác quản lý tài chính, đề nghị Sở Tài chính quan tâm bố trí cán bộ hỗ trợ ngành Y tế các vấn đề liên quan đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Về tự chủ tài chính, Sở Y tế cần nâng cao trách nhiệm, sâu sát và kịp thời hơn, đồng thời kiểm tra thường xuyên. Đối với những bất cập trong phạm vi của Sở Y tế thì nhanh chóng giải quyết, các vấn đề vượt quyền thì tham mưu, kiến nghị lên cấp trên để kịp thời tháo gỡ.

Có thể bạn quan tâm