Bạn đọc

Khẩu trang vứt bừa bãi có thể phạt 7 triệu đồng: Phải thực hiện nghiêm túc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến trước thông tin Bộ Y tế đề nghị các bộ ngành xử phạt 3-7 triệu đồng với người vứt, thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng không đúng nơi quy định.

Thời tiết ẩm ướt do mưa xuống khiến đường phố càng thêm nhếch nhác. Ảnh: Tùng Giang.
Thời tiết ẩm ướt do mưa xuống khiến đường phố càng thêm nhếch nhác. Ảnh: Tùng Giang.
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị việc tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. 
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương, tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân tháo bỏ khẩu trang đúng cách là cầm phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang. Sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp dậy kín theo quy định và rửa sạch tay.
Hành vi vứt khẩu trang bừa bãi ra nơi công cộng như đường phố, vỉa hè, hệ thống thoát nước... có thể bị phạt từ 3 đến 7 triệu đồng, theo quy định tại Điều 20, Nghị định 155 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trước thông tin này, bạn đọc Nguyễn Minh cho biết: "Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 thì người dân sử dụng khẩu trang khá nhiều. Việc sử dụng và bỏ khẩu trang đúng nơi quy định là rất cần thiết".
Theo bạn đọc Lê Huệ, nhiều người vẫn chưa có ý thức bỏ khẩu trang đã sử dụng vào đúng nơi quy định. Báo chí đã phản ánh những chiếc khẩu trang y tế vứt bừa bãi lòng đường, hè phố. Vì vậy, bạn đọc này đồng tình với đề xuất phải phạt nặng những người có hành vi này.
Đồng quan điểm, bạn đọc Hàn Hương nêu: “Tôi ủng hộ đề nghị của Bộ Y tế. Phải phạt thật nặng không chỉ hành vi vứt  bừa bãi khẩu trang mà tất cả các loại rác khác. Chúng ta cứ làm thật mạnh, đánh vào túi tiền của những người thiếu ý thức đó thì họ mới sợ. Từ đó, cuộc sống mới văn minh hơn".
Song song với đề xuất tăng cường kiểm tra, xử phạt cũng cần trang bị cơ sở vật chất, bạn đọc Đắc Tuấn bày tỏ: "Mình hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Không chỉ khẩu trang, mà phạt tất thẩy các hành động vứt rác bừa bãi, khạc nhổ, tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng... "
"Tuy nhiên, song song với quy định xử phạt thì phải trang bị đầy đủ thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống camera giám sát,... và tuyên truyền rộng rãi, liên tục để nâng cao ý thức của người dân. Khi đưa quy định vào thực hiện thì xử phạt nghiêm túc, quyết liệt tránh "đánh trống bỏ dùi" thì mới mong có những chuyển biến tích cực trong xã hội", bạn đọc Đắc Tuấn nhấn mạnh.
Còn bạn đọc Vân Anh lại băn khoăn: "Ủng hộ phạt việc vứt khẩu trang bừa bãi, song người dân phát hiện ra hành vi này thì báo cho ai đây? Cơ quan nào chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, xử phạt?".
 Khẩu trang vứt bừa bãi. Ảnh TG
Khẩu trang vứt bừa bãi. Ảnh TG
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Hoàng Vũ cho hay: "Nói phạt thì dễ nhưng thực hiện thì cả một vấn đề. Như việc xả rác bừa bãi rất ít người bị xử phạt vì cũng chẳng có ai rảnh mà đi theo người cầm bịch rác hay khẩu trang coi người ta vứt như thế nào. Hay đơn giản là việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng có chế tài xử phạt hết đó, nhưng ai là người xử phạt... Vì vậy, nên có những quy định cụ thể về cơ quan quản lý, giám sát và thực hiện xử phạt ra sao?".
Bạn đọc Nguyễn Việt nêu quan điểm: "Hiện nay, dịch bệnh mang lại những khó khăn và thiệt hại, nhưng đây cũng là thời điểm để ra nhiều luật, quy định có thể áp dụng rất nhanh chóng trong cuộc sống. Không chỉ quy định cho thời điểm dịch hiện tại mà áp dụng lâu dài. Cơ hội để Việt Nam trở lên ý thức hơn, văn minh hơn".
Bạn đọc này nêu ví dụ như cấm khạc nhổ bừa bãi, cấm vứt rác bừa bãi, phân loại rác, cấm thơm miệng trẻ em, bình ổn giá, chống lạm phát, an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm...
Theo ANH THƯ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm