Thể thao

Tin tức

Khi bóng đá châu Á 'mở cửa'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi Ben Davis rời sân trong trận Thái Lan hòa Iraq, anh chỉ nhận được những tràng pháo tay ít ỏi từ khán đài. Người Thái vẫn chưa quen với việc cổ vũ một cầu thủ nhập tịch.
 Ben Davis (trái) thi đấu khá tốt trong trận Thái Lan hòa Iraq - Ảnh: AFC
Ben Davis (trái) thi đấu khá tốt trong trận Thái Lan hòa Iraq - Ảnh: AFC
Nhiều năm qua, "nhập tịch" trở thành từ khóa cho làng thể thao châu Á. Ở các kỳ đại hội thể thao, Qatar, Bahrain luôn nhập tịch ồ ạt các ngôi sao điền kinh. Điều này khiến những VĐV thuần châu Á ngày càng ít cơ hội cạnh tranh HCV.
Thành công với cầu thủ nhập tịch
Là một môn thể thao tập thể, sự tác động của việc nhập tịch VĐV trong bóng đá ít hơn so với các môn thể thao cá nhân như điền kinh, bơi lội. Nhưng những nền bóng đá có chính sách nhập tịch cầu thủ cũng gặt hái nhiều thành công rõ rệt.
Ở Đông Nam Á, Malaysia và Philippines là các trường hợp tiêu biểu. Họ rõ ràng chơi hay hơn khi sử dụng những cầu thủ đến từ châu Phi cũng như châu Âu. Còn ở tầm châu lục, thành công của Qatar ở Asian Cup 2019 với nhiều cầu thủ gốc Phi như Almoez Ali, Al-Rawi, Boualem Khoukhi là minh chứng rõ nét.
Ở VCK U23 châu Á 2020, Qatar tuy mang đến giải dàn cầu thủ "cây nhà lá vườn" nhưng làn sóng nhập tịch của họ lại bắt đầu lan sang những quốc gia khác. Tiền vệ Ben Davis của U23 Thái Lan là một trong số đó. Trước giải, Davis đã là cái tên tốn khá nhiều giấy mực của báo chí Đông Nam Á khi lựa chọn chơi bóng cho Thái Lan.
Tiền vệ 19 tuổi này có cha là người Anh, mẹ người Thái Lan, anh sinh tại Phuket nhưng được gia đình đưa sang Singapore từ lúc 5 tuổi. Với lý lịch đặc biệt của mình, Davis có thể chọn quốc tịch Anh, Xứ Wales, Singapore hoặc Thái Lan. 
Câu chuyện càng đáng chú ý hơn khi năm 17 tuổi, Davis nhận học bổng của Học viện bóng đá Fulham và hiện vẫn đang thuộc biên chế đội bóng ở Giải hạng nhất Anh. Trận hòa 1-1 trước Iraq là lần đầu tiên Davis được HLV Nishino sử dụng ở VCK U23 châu Á.
Người Thái Lan vẫn hoài nghi
Kakla Machoke - phóng viên báo True Vision (Thái Lan) - nhận định: "Ben Davis đang mang lại một phong cách mới cho Thái Lan. 
Cậu ấy thật sự rất tài năng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cậu ta còn chơi khá cá nhân. Có cảm giác Ben Davis chưa quá tin tưởng vào các đồng đội của mình. Nhưng nếu được chơi lâu dài với các cầu thủ Thái Lan khác, Ben Davis sẽ còn tiến bộ hơn nữa".
Noi - phóng viên ảnh một tờ báo địa phương - cũng nhận xét thẳng thắn: "Đúng là hơi lạ lẫm khi U23 Thái Lan có một cầu thủ nhập tịch. Tuy nhiên, Davis đã chơi khá tốt. Việc Thái Lan có cầu thủ nhập tịch có lẽ là điều tốt. Tôi thật sự hi vọng cậu ấy sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa".
Bóng đá Thái Lan vốn không có truyền thống nhập tịch cầu thủ. Từ giới truyền thông đến người hâm mộ Thái vẫn đang dò xét Ben Davis với sự hoài nghi. Nhưng cá nhân Davis cùng phong độ của anh ở VCK U23 châu Á 2020 có thể là bước cách mạng cho con đường nhập tịch cầu thủ ở Thái Lan trong tương lai.
Xóa nhòa những rào cản chủng tộc
Ngoài Thái Lan, Úc cũng là đội tuyển mang đến giải những cầu thủ có gốc gác nước ngoài như: hậu vệ phải Thomas Deng (gốc Sudan - Kenya), hậu vệ trái Connor O’Toole (gốc Ireland - Nhật) và tiền đạo Al Hassan Toure (Guinea). 
Thật ra, không thể xếp cả ba cầu thủ này vào diện nhập tịch bởi họ đều trưởng thành trên đất Úc. Với O’Toole, anh có cha người Ireland, mẹ người Nhật và sinh trưởng tại Úc. Deng cùng Toure khá giống nhau, là những người gốc Phi theo chân gia đình sang Úc tị nạn từ khi còn là một đứa trẻ. Và cả ba đều trưởng thành từ những lò đào tạo ở Úc.
Và Thomas Deng chính là hình mẫu cho việc xóa nhòa những rào cản chủng tộc trong thể thao. Cha mẹ anh là người Sudan sang Kenya tị nạn, sau đó lại chuyển đến Úc. Nhưng con trai của họ giờ đây lại mang băng đội trưởng U23 Úc. Ở tuổi 22, Deng thậm chí đã ra sân cho tuyển quốc gia.

Xu hướng của thế giới
Norio Rokukawa (phóng viên ảnh người Nhật của tờ Office La Strada) nói: "Việc nhập tịch cầu thủ đang là xu hướng của thế giới. Tại bảng J vòng loại U19 châu Á 2020 hồi tháng 11-2019 diễn ra ở VN, U19 Nhật Bản đã mang theo vài cầu thủ nhập tịch gốc Phi như thủ thành Kokubo Leo Brian và tiền đạo Soromon Sakuragawa". Dù đây đều là những cầu thủ sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản nhưng theo ông Norio, họ vẫn mang "hình ảnh rất lạ" trong đội hình của U19 Nhật Bản.
Có mặt tại VCK U23 châu Á 2020, ông Norio vẫn giữ quan điểm về việc cầu thủ nhập tịch có lợi cho bóng đá Nhật Bản. "Tôi hi vọng trong tương lai, những cầu thủ nhập tịch sẽ có nhiều đóng góp lớn cho bóng đá Nhật Bản" - ông nói.
Theo HUY ĐĂNG - ĐỨC THIỆN (TTO)

Có thể bạn quan tâm