Khi cả thế giới là một quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đứng trước sự phôi phai về bản sắc, có người đau đáu, nhưng cũng có người điềm tĩnh cho rằng: Với sự phẳng ra của thế giới và quá trình toàn cầu hóa chóng vánh ngày nay, chưa biết chừng sẽ có ngày mọi dân tộc trên thế giới đều cùng chung một quê hương.

1. Sáng ấy, cuộc trò chuyện với người bạn phía bên kia địa cầu chợt khựng lại đôi dòng khi người bạn chia sẻ quan điểm: “Với mình, con nói tiếng Việt tốt hay không không quan trọng, bởi nếu đòi hỏi giữ bản sắc quá thì sẽ khó hòa nhập”. 2 mẹ con nói chuyện nửa Việt nửa Anh, đôi khi con trai bạn phải vay mượn từ mới diễn đạt được hết ý nghĩ. “Vậy còn trò chuyện với bà con, họ hàng ở Việt Nam thì sao?”. “Bà con họ hàng một năm gặp mấy lần?”-bạn đặt câu hỏi ở chiều ngược lại. Bạn cũng nói, bạn không buồn nhiều khi xa xứ, vì trong lòng không đọng nhiều ký ức về chốn cũ.

 

Dù đi đâu, làm gì, quê hương vẫn luôn là điểm tựa của mỗi con người. Ảnh: Huy Tịnh

Chợt tự vấn, có giáo điều lắm không khi đòi hỏi những người xa xứ phải bằng mọi giá giữ gìn bản sắc văn hóa? Họ cũng đã phải cố gắng đến mệt nhoài để hòa nhập với cuộc sống, văn hóa, ngôn ngữ, cuộc mưu sinh và thậm chí là sự kỳ thị ở xứ người rồi. Nhưng cũng trộm nghĩ, giả sử bạn không nhớ gì đến Phố núi khi chia xa, không thầm yêu một góc phố hàng cây, không từng lưu luyến những kỷ niệm học trò, không thấy ấm lòng khi nghe tiếng nói quê hương…, thì một khi gặp những đổ vỡ nào đó (ai mà không một lần đổ vỡ, mà đáng sợ nhất là đổ vỡ niềm tin), thì điều gì sẽ neo giữ bạn, nâng đỡ bạn, vỗ về an ủi tâm hồn bạn? Những lúc ấy, bạn sẽ quay về chốn nào? Đâu là điểm tựa, nếu đó không phải là quê hương?

2. Làng Kép ở rất gần TP. Pleiku, chỉ cách chừng 3-4 cây số. Và phải chăng vì quá gần mà ngôi làng Jrai này đã không “kháng cự” nổi với sự du nhập của văn hóa bên ngoài. Song đó là quy luật tất yếu, khó có thể bàn lùi. Những mái nhà trong làng giờ hầu như đã tôn hóa. Nhà rông cũng giả gỗ, bê tông hóa toàn bộ. Đặc biệt, đến khu nhà mồ, rất khó để nhận ra đó là nhà mồ của một làng Jrai khi tất cả được xây bằng gạch đá, xi măng, rất hiện đại và thức thời. Không còn những nhà mồ làm bằng tranh tre, nứa lá, thể hiện sự tài hoa đến tuyệt mỹ của những người thợ núi rừng với nghệ thuật điêu khắc, đan lát... Tượng mồ thì gần như “tuyệt tích”. May ra ở vài ngôi mộ cũ còn một ít ghè, ché-dấu tích của tục chia của. Hôm ấy, đoàn làm phim của VTV đã chọn nơi này làm một trong những điểm đến để thực hiện loạt phóng sự về Tây Nguyên và sự mai một của văn minh rừng. Rõ ràng, việc rừng ngày một lùi xa dần (và từ “đại ngàn” được dùng để chỉ vùng đất này bắt đầu gây dị ứng, vì nhiều người cho rằng giờ làm gì còn đại ngàn?!) đã tác động đến mọi mặt đời sống, kéo theo sự ra đi của rất nhiều thứ vốn là bản sắc của cư dân bản địa: văn hóa nương rẫy, săn bắn, ẩm thực, điêu khắc, mỹ thuật, sinh hoạt văn hóa cộng đồng (cồng chiêng, kể khan, pơ-thi…). Một sự tác động dữ dội và trần trụi. Thực tế ấy người ta khó lòng hình dung mấy mươi năm về trước, để rồi giờ đây, khi nó hiển hiện, thì các giải pháp bảo tồn dường như đã trở nên quá chậm trễ.

3. Cả 2 điều trên tình cờ đến với tôi trong cùng một ngày. Chỉ một ngày mà hằn rõ tất cả sự phai phôi. Chúng quây lấy ta bằng vẻ lặng lẽ, im vắng đến kỳ lạ. Ta chợt thấy như đang rơi tự do.

Nhưng đem điều này để chuyện trò với một nhà văn có tiếng vừa quay lại thăm Pleiku sau 15 năm, cũng nhận rõ sự chông chênh trong những đổi thay, thì ông lại có cái nhìn đằm hơn: “Cũng có nhiều ước đoán rằng, khoảng chừng 1.000 năm nữa, cả thế giới này chỉ còn là một quê hương. Như thế có khi lại hay”. Điều này không phải là không có cơ sở khi với sự hỗ trợ của những tiện ích công nghệ thông tin, phương tiện, cơ chế thông thoáng…, con người ở những châu lục khác nhau có thể nói cười với nhau như đang cùng một nhà; buổi sáng ăn phở ở Việt Nam chiều đã xem hòa nhạc ở Mỹ, mới đó còn ở vùng nhiệt đới nóng như hắt lửa vào mặt thì thoắt cái đã lại cầm cập ở xứ tuyết, đi nước ngoài xoèn xoẹt và dễ như… ra khu chợ bên hông nhà (công dân toàn cầu mà). Có thể lắm chứ, nếu tịnh tiến thời gian đến 1.000 năm tới. Còn rất nhiều điều khó tưởng tượng nổi. Chúng xóa mờ mọi ranh giới cả về địa lý và văn hóa. Mọi thứ xích lại quá gần để minh định anh-tôi, khư khư bản sắc.

Lâu nay, người ta vẫn cho rằng cái khó nhất khi hòa nhập là đừng hòa tan, và một điều khó hơn nữa là biết yêu lấy giá trị vốn có của bản thân song vẫn tôn trọng cái riêng, cái bản sắc của người khác, dân tộc khác… Như vậy thế giới sẽ thật đa dạng, đa màu sắc và có vô số nhiều điều để khám phá. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi cả thế giới là một quê hương, thậm chí có thể là nói cùng một ngôn ngữ? Có nhàm chán không bởi mỗi con người luôn muốn vươn ra cái mới, song lúc bấy giờ cái mới ở đâu khi tất cả là một? Có lẽ chỉ có cố tiểu thuyết gia về khoa học viễn tưởng Jules Verne (tác giả tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển) mới cho chúng ta được những dự báo tiệm cận nhất với tương lai.

Hay là ta đã quá cả nghĩ?

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm