Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Khi con dậy thì

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phan Bình-bạn tôi kể: Cách đây vài hôm, ti vi có phát phóng sự về Đồng Ngọc Hà-sinh viên năm thứ nhất, lớp Tài năng Sinh học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Bạn chỉ muốn con xem để ngầm khuyến khích rằng: Sự nỗ lực nào cũng được đền đáp xứng đáng. Nhưng có lẽ chúng đang ở độ tuổi nhạy cảm nên nghĩ rằng cha mẹ đang chê bai mình, cho rằng chúng không bằng con nhà người ta.
Mặc dù mới 19 tuổi nhưng Hà đang sở hữu thành tích rất khủng: Huân chương Lao động hạng ba, Huy chương bạc quốc tế môn Sinh học và được xếp tốp 50 giải thưởng sinh viên toàn cầu dành cho những sinh viên chăm học nhất thế giới, có ảnh hưởng đến toàn cầu được chọn ra từ 3.500 ứng cử viên của 94 quốc gia... Bạn tôi gọi cậu con trai học lớp 8 tới xem cùng. Thay vì hào hứng thì bạn tôi nhận được thái độ khá lầm lì của con kèm theo câu nói: “Mẹ lại định so sánh con chứ gì?”. Sau đó, cậu con trai bỏ đi thẳng vào phòng, để lại sau lưng sự chưng hửng của mẹ. 
Còn Hoàng Tuyết Lan-một cô bạn khác của tôi lại có nỗi lo khác. Gần đây, cô con gái 13 tuổi của mình suốt ngày ôm điện thoại. Khi kiểm tra thì biết con đang chơi game PUBG (PlayerUnknown’s Battlegrounds)-một trò chơi điện tử hành động, sinh tồn, nhiều người chơi trực tuyến. Lan tâm sự: “Nếu chỉ chơi game thì không có gì đáng nói, nhưng qua game, con bé quen được rất nhiều bạn ở khắp nơi. Cách đây vài tháng, con bé có xin phép tôi đi gặp nhóm bạn. Hỏi thì cháu nói đó là nhóm bạn quen qua game. Tôi thấy lo sợ nên kiếm cớ hôm đó nhà có việc và không cho con bé đi. Cũng may con bé vẫn còn biết nghe lời. Sau đó, tôi từ từ phân tích cho con hiểu không nên dễ dàng tin tưởng những người mình chưa từng quen biết, nhất là những người chỉ biết qua mạng lần đầu”.
Hàng ngày, đọc báo, những dòng tít dạng như: “Ia Grai: Bất an tình trạng thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật”, “Nóng tình trạng thanh-thiếu niên dùng hung khí gây mất trật tự”, “Phẫn nộ clip nhóm học sinh nữ cấp 2 ở Lâm Đồng kéo ra nghĩa trang đánh dằn mặt nhau”, “Nhóm nữ sinh đánh nhau tơi bời ngoài đời vì mâu thuẫn trên Facebook”…, không phụ huynh nào là không lo lắng, nhất là khi các con bắt đầu dậy thì, không còn muốn gần gũi cha mẹ, tâm tính trở nên “nóng lạnh” bất thường, lúc nào cũng muốn khẳng định bản thân. 
Theo một nghiên cứu cho thấy, khi trẻ bước vào giai đoạn tuổi teen, chỉ 22% là còn chia sẻ, tâm sự với cha mẹ, còn lại là đều tạo nên “thế giới riêng” của mình. Đã có rất nhiều bài viết của các chuyên gia tâm lý về phương pháp “đồng hành” cùng con ở tuổi dậy thì như: dành cho con sự độc lập tương đối, quan sát các biểu hiện của trẻ, sẵn sàng chia sẻ với con, trao cho con cơ hội được trải nghiệm tự do, đặt ra những quy tắc rõ ràng và công bằng… Ai cũng thuộc nằm lòng lời khuyên “nên là bạn với con, nên lắng nghe con”, nhưng thực tế đó là điều không dễ khi cha mẹ muốn gần gũi mà con thì cứ xa cách. Nhiều ông bố, bà mẹ thừa nhận không ít lần muốn nổi điên trước sự ương ngạnh, nổi loạn của con. 
Tôi khá tâm đắc với chia sẻ của một cô giáo cũ: “Dạy con ở độ tuổi nào cũng có cái khó của nó, chưa kể mỗi đứa trẻ lại có những tâm tính không giống nhau sẽ có cách dạy khác nhau. Vấn đề là phải tìm ra phương pháp thích hợp. Nhưng cho dù là phương pháp nào cũng đều dựa trên nguyên tắc: yêu thương nhưng đừng quá chiều chuộng; tôn trọng nhưng trong khuôn khổ. Hãy lắng nghe con để tìm được cách xử lý hài hòa trong mối quan hệ cha mẹ-con cái”. 
KHANG NGHI

Có thể bạn quan tâm