Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Khi người Bahnar về thế giới Atâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mây đen vần vũ, cây cối lặng như tờ báo trước một cơn mưa. Vừa đến đầu xã Ya Ma (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), tôi đã nghe tiếng cồng chiêng vang xa. Hỏi thăm một người dân trên đường thì biết đó là nhạc chiêng đưa tiễn người chết ở làng Tờ Nùng-Măng.
Dân làng Tờ Nùng-Măng đến hỏi thăm và quây quần uống rượu ghè để chia sẻ nỗi mất mát với gia đình người xấu số. Ảnh: M.C

Dân làng Tờ Nùng-Măng đến hỏi thăm và quây quần uống rượu ghè để chia sẻ nỗi mất mát với gia đình người xấu số. Ảnh: M.C

Đám đưa tiễn người chết đông chưa từng thấy. Bà con dân làng và họ hàng ở các làng lân cận đều có mặt. Họ ngồi thành từng nhóm 2-3 người, 5-7 người quanh những ghè rượu, quanh nhà sàn, dưới gốc cây trước nhà, phía sau nhà hoặc chỗ nào có thể ngồi được. Dường như ai nấy đều mong có mặt trong cuộc từ biệt người vừa lìa xa cõi thế. Tôi để ý thì thấy những phụ nữ lớn tuổi mặc váy thổ cẩm, đeo trang sức bạc, hổ phách hoặc hạt nhựa-một biểu hiện của sự tôn trọng đối với người chết.

Dàn cồng chiêng truyền thống cùng dàn chiêng mới 2 người khiêng 2 người đánh theo sau người đánh trống. Tiếng chiêng truyền thống chậm rãi với những nốt trầm rền, buồn bã hòa trong nhịp chiêng cải tiến với những nốt cao vút, nhanh và rộn rã. Hợp âm của dàn nhạc chiêng vang lên, thu hút sự chú ý của những người có mặt.

Người vừa rời xa dân làng để về với Atâu là bà Đinh Thị T’rông. Theo chị Đinh Thị Phương, chiều qua, vừa đi làm về, chị nghe tiếng trống báo tin buồn từ phía nhà rông. Bà con dân làng nghe thấy liền dừng việc, nghe ngóng. “Theo truyền thống của người Bahnar, khi trong làng có người chết, dân làng nghỉ làm 1 ngày để tới chia buồn. Đêm qua là đêm con cháu quây quần uống rượu và khóc tiễn. Còn hôm nay, bà con dân làng và họ hàng gần xa tới để chia buồn cùng gia đình. Mỗi hộ góp từ 20 ngàn đồng trở lên, 3-4 lon gạo,1 ghè rượu (nếu có) để chia sẻ nỗi mất mát với gia đình người xấu số và để người chết không cảm thấy cô đơn”-chị Phương cho biết.

Xoang tiễn đưa người chết. Ảnh: M.C

Xoang tiễn đưa người chết. Ảnh: M.C

Từ ngôi làng Tờ Nùng 1 bên cạnh, bà Cit đi bộ qua làng Tờ Nùng-Măng từ sáng sớm để đưa tiễn người bà con. Bà đeo trang sức bạc quý nhất của người phụ nữ Bahnar, ngồi uống rượu và trò chuyện với con cháu. Bà Cit nói rằng, được chết vì tuổi già, chết không bệnh tật như bà T’rông là điều may mắn. Nó khác cái chết xấu (chết do bệnh tật, tai nạn, tự tử và những nguyên nhân khác). Linh hồn bà T’rông có thể tự do, thanh thản về thế giới bên kia trong sự yêu mến, quyến luyến của người thân, của dân làng. “Mình qua đây từ sáng sớm vì không muốn hồn bà T’rông đi mà chưa thấy đầy đủ bà con, họ hàng. Sống tình nghĩa, trọn vẹn với nhau từ lúc sống cho đến lúc chết, đó là truyền thống rồi”-bà Cit chia sẻ.

Clip: Hoàng Ngọc

Trong ngôi nhà sàn, tiếng khóc kể lúc nhỏ nhẹ lúc nức nở vẫn đều đặn vang lên. Ba người con và hàng chục đứa cháu bịn rịn trong giây phút cuối cùng trước khi mọi người đưa người thân của họ ra khu nhà mồ. Sự quyến luyến xót thương tạo thành một không gian cộng cảm thiêng liêng khó diễn tả hết bằng lời. Anh Đinh Văn Poi-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ya Ma nói rằng, sự có mặt đông đủ của bà con trong đám tang là sự cam kết thầm lặng của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Họ có mặt ở đây, trong giây phút buồn đau để chia sẻ nỗi mất mát, đồng thời cũng khẳng định họ là một mảnh ghép tạo nên sự cố kết bền chặt của cộng đồng. Tính cộng đồng khiến người Bahnar gắn bó mật thiết với nhau, tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn, luôn vững tin vào cuộc sống và không sợ hãi trước cái chết.

Với người Bahnar, chết chưa phải là hết. Người sống chỉ thực sự cắt đứt mọi ràng buộc, thôi thương nhớ để linh hồn người chết được tự do bay đi trong thế giới khác thông qua lễ bỏ mả.

Có thể bạn quan tâm