Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khi nữ sinh dân tộc thiểu số ở Gia Lai chủ động lựa chọn nghề nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì nghỉ học ở nhà hay kết hôn sớm, nhiều nữ sinh dân tộc thiểu số ở Gia Lai chọn tiếp tục con đường học tập để theo đuổi giấc mơ nghề nghiệp mà mình đam mê với mong muốn thay đổi cuộc sống.

Chị Đinh Thị Bi (24 tuổi) là người dân tộc Bahnar, trú tại làng Hle Hlang, xã Yang Trung, huyện Kông Chro. Chị Bi cho biết: “Gia đình tôi có 3 chị em. Bố mẹ đều làm nông. Khi học xong THPT, mẹ bảo tôi nghỉ học ở nhà vì gia đình không có điều kiện. Tôi đã cố gắng thuyết phục gia đình cho mình được đi học tại một trường trong tỉnh để không phải đóng học phí”.

2dinh-thi-bi-dat-giai-ba-tai-hoi-thi-huong-dan-vien-du-lich-tai-diem-nam-2024-4701.jpg
Đinh Thị Bi đạt giải Ba tại Hội thi Hướng dẫn viên du lịch tại điểm năm 2024. Ảnh: N.T

Ngoài giờ học tại trường, chị Bi đi làm thêm ở các nhà hàng, quán cà phê để vừa có thêm thu nhập, vừa có cơ hội trải nghiệm ngành Quản trị khách sạn mà mình đang theo học. Thành tích học tập ở trường của chị cũng rất tốt. Năm 2020, chị được chọn tham gia cuộc thi Olympic Tiếng Anh trong học sinh, sinh viên do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Sau khi tốt nghiệp, chị Bi làm việc tại một cửa hàng chuyên về thức uống, đúng với ngành học của mình. Năm 2024, tại hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi tại điểm do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức, chị Bi đã xuất sắc giành giải ba.

“Mỗi người sẽ có hiểu biết và nhận thức khác nhau. Có thể suy nghĩ của tôi không giống với nhiều người, nhưng nếu có thể thì các bạn hãy trải nghiệm nhiều hơn, gặp gỡ, giao lưu nhiều hơn, ít nhất là hãy học tập để có một công việc có thể tự nuôi sống bản thân mình trước khi dấn thân vào cuộc sống hôn nhân”-chị Bi bày tỏ.

Tương tự là trường hợp chị Đinh Thị Đem (25 tuổi), người dân tộc Bahnar, trú tại làng Nák, thị trấn Kbang. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Đem được người thân động viên đi học tiếp để thoát khỏi cái nghèo. Chị chọn học ngành Công tác xã hội với mong muốn sau này sẽ đóng góp sức mình cho cộng đồng.

Mặc dù có ngoại hình xinh xắn nhưng chị Đem lại là một cô gái rụt rè, nhút nhát. Sau những lần đi thực tế, thực tập, chị trở nên tự tin hơn, mạnh dạn tham gia các hoạt động đoàn thể. Năm 2019, cô gái Bahnar được bạn bè động viên đăng ký tham gia cuộc thi sinh viên thanh lịch của Trường Cao đẳng Gia Lai và giành giải Á quân.

Sau khi tốt nghiệp, chị Đem làm việc tại Trung tâm Nụ cười Pleiku với vai trò giáo viên dạy trẻ đặc biệt. Chị cho biết: “Tôi may mắn vì lựa chọn tiếp tục đi học nghề mà không nghỉ học. Bạn bè cùng học phổ thông với tôi bây giờ nhiều người đã sinh 2, 3 đứa con, công việc không ổn định, cũng không có nhiều kiến thức chăm sóc con cái nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Khi đi học và làm việc, tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, được đi đây đi đó mở mang tầm mắt và suy nghĩ cũng trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi có nhiều thời gian để chăm sóc bản thân, thu nhập ổn định cũng giúp cuộc sống của tôi thoải mái hơn”.

khi-nu-sinh-dan-toc-thieu-so-chu-dong-lua-chon-nghe-nghiep-bg-1494.jpg
Chị Nay H’Hao (thứ 2 từ trái sang) trong chương trình giao lưu “Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp”. Ảnh: N.T

Năm 2019, vì điều kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả, sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đông Gia Lai, chị Nay H’Hao (24 tuổi, người dân tộc Jrai, trú tại buôn Hiao, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) quyết định học nghề với mong muốn sớm ra trường tìm được việc làm ổn định.

Sau khi tìm hiểu, H’Hao đăng ký học ngành Bảo vệ thực vật tại Trường Cao đẳng Gia Lai. H’Hao không chỉ là sinh viên chăm chỉ mà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào do Đoàn trường tổ chức. Năm 2020, H’Hao vinh dự được Trung ương Đoàn tặng danh hiệu “Học sinh 3 rèn luyện” cấp trung ương năm học 2020-2021.

Năm 2021, chị tốt nghiệp và làm quản lý tại cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của Công ty TNHH một thành viên Thái Bình Gia Lai. Nói về quyết định của mình khi ấy, chị H’Hao tự tin chia sẻ: “Năm đó, nhiều bạn không đi học tiếp mà nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Em nghĩ nếu ở nhà thì chắc chắn sẽ lấy chồng sớm. Không có công việc, không có thu nhập, sinh con ra không có điều kiện chăm sóc thì cả mình và con đều khổ. Vì vậy, em chọn tiếp tục đi học để có nghề trong tay, sau này tương lai sẽ ổn định hơn”.

Hiện tại, ngoài công việc chính là quản lý cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, chị H’Hao còn hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho các gia đình có trang trại cây trồng trên địa bàn và được bà con nông dân đánh giá cao về trình độ tay nghề và kỹ thuật. Công việc ổn định, thu nhập tốt không chỉ giúp chị H’Hao có cuộc sống đầy đủ mà còn giúp đỡ được bố mẹ.

Có thể bạn quan tâm