Multimedia

Khi phụ nữ là già làng-Kỳ cuối: “Điểm tựa của mọi điểm tựa khác”

E-magazine Khi phụ nữ là già làng-Kỳ cuối: “Điểm tựa của mọi điểm tựa khác”

Một cộng đồng luôn có lý do đúng đắn cho việc cân nhắc, lựa chọn, bầu ra một “thủ lĩnh tinh thần”. Cuộc trò chuyện với 4 nữ già làng hiếm hoi của Gia Lai đã cho thấy rõ điều ấy. Vượt qua những định kiến về giới, họ xứng đáng là “điểm tựa của mọi điểm tựa khác” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh khi nói về vai trò già làng, trưởng thôn, người uy tín trong cộng đồng.

Với người dân làng Krông (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông), đến nay vẫn chưa có ai xứng đáng hơn để thay thế nữ già làng Ksor H’Blâm.

Không riêng người làng Krông mà nhiều hộ dân ở các làng trong xã mỗi khi gặp trở ngại trong cuộc sống đều tìm đến bà. Vậy nên, bà H'Blâm nói vui rằng, mình không chỉ là già làng mà còn là già... xã.

Bà thường dành thời gian để trò chuyện với dân làng, nói về giá trị của từng tấc đất quê hương, về chủ quyền biên giới quốc gia. Bà nhấn mạnh, việc xây dựng, gìn giữ và bảo vệ biên giới là trách nhiệm không chỉ của Đảng, Nhà nước, của lực lượng bộ đội biên phòng mà còn của mỗi người dân.

“Mình vui vì nhiều năm qua dân làng luôn đoàn kết, không có trường hợp vượt biên. Bà con đã biết làm lúa nước 2 vụ, biết đưa máy móc vào phục vụ sản xuất; nhiều hộ còn hạ độ cao của đất để dẫn nước từ Công trình thủy lợi Ia Mơr về sản xuất. Cuộc sống dân làng giờ ấm no hơn, mình cũng mừng”-bà H’Blâm phấn khởi cho hay.

Cũng bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, song bà Siu Phyin (làng Goòng, huyện Chư Prông) vẫn tích cực góp sức cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia. Bà Rơ Mah Phyơ (làng Goòng) bộc bạch: “Nghe theo già Phyin, dân làng chăm chỉ làm ăn và luôn nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi thấy người lạ vào làng, người dân lập tức thông báo cho lực lượng chức năng”.

Bà Phyin nói về những đổi thay tích cực của cộng đồng

Điều đặc biệt, với khả năng thông thạo địa hình, các nữ già làng trên còn được xem là “cột mốc sống” vùng biên. Họ thường xuyên băng rừng cùng bộ đội biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới.

Thiếu tá Rơ Ô Thuy-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Púch-cho hay: Bà Phyin luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới đất liền…

Với những cán bộ trẻ mới chuyển công tác, tiếp quản địa bàn như Đại úy Trần Văn Khen-Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơ thì việc có một “điểm tựa tinh thần” như bà H’Blâm là điều vô cùng quý giá.

“Già có trí nhớ tốt, sống tình cảm, luôn động viên cán bộ, chiến sĩ “3 bám, 4 cùng” để nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con. Có già H’Blâm, tôi như có thêm kinh nghiệm, động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-Đại úy Khen bộc bạch.

Đó là câu nói ấn tượng mà nữ già làng Rơ Châm Phyah thường nói với dân làng Tung Breng (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) mỗi khi vận động bà con nỗ lực học hỏi, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Cùng với rất nhiều sự vụ mà một già làng phải gánh vác, bà hiểu rằng, nếu vận động để kinh tế của từng hộ dân đi lên đồng nghĩa với nâng cao đời sống và dân trí, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Minh chứng sống động nhất, thuyết phục nhất chính là bản thân bà. Vừa làm cán bộ xã, bà và gia đình vừa khai hoang, trồng 1 ha ruộng lúa, 1 ha cà phê. Khi cây cao su còn rất xa lạ với người dân nơi đây thì bà đã tìm hiểu thông tin và sang tận Đắk Lắk học hỏi cách trồng, chăm sóc loại cây được mệnh danh là “vàng trắng” này và dần mở rộng diện tích lên 4ha. “Đảng viên phải đi trước làm gương thì người dân mới theo sau. Mình nói với người dân nên trồng loại cây nào cho thu nhập ổn định. Có kinh tế thì mới ăn ngon, mặc đẹp”-bà Phyah kể lại.

Bà cũng là người trực tiếp vận động lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên 715 nhận người dân địa phương vào làm công nhân cao su để có thu nhập ổn định. Đến nay, đã có khoảng 30 người làm công nhân tại đây; trong tổng số 83 hộ dân của làng giờ chỉ còn 5 hộ nghèo. “Nói gì nói, làm gì làm, đầu phải vững, lòng phải bền, tay chân phải cứng, làm không thua ai. Chứ lười biếng thì cũng bằng không”-bà Phyah khẳng khái nói.

Không ai “cãi” được cái lý ấy, nhất là khi nhìn vào sự đi đầu, gương mẫu của gia đình bà không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong nuôi dạy con cái. Ông bà có 4 người con gái thì 1 người là bác sĩ, 1 người là Bí thư Đoàn xã, 2 người chịu khó làm nông nghiệp nên kinh tế ổn định. “Có thể làm giàu ngay trên chính quê hương mình” là điều bà khẳng định với bà con làng Tung Breng khi nhắc đến những trường hợp trót tin lời phỉnh dụ “việc nhẹ lương cao” mà trốn ra nước ngoài.

ba-ro-cham-phyah-dong-vien-mot-phu-nu-lang-tung-breng-vuon-len-lam-kinh-te.jpg
Bà Rơ Châm Phyah động viên chị Rơ Mah Phyơt tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Vì lẽ đó, bà Phyah đã truyền cảm hứng đến nhiều phụ nữ của làng trong phát triển kinh tế. Vừa tan ca về, chị Rơ Mah Phyơt trò chuyện: Chị vào làm công nhân cao su cách đây 6 năm qua sự giới thiệu của bà Phyah. Ngoài thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, gia đình chị còn trồng thêm 1 ha cao su tiểu điền, 2 ha điều. “Trước kia kinh tế gia đình khó khăn nhưng nhờ già Phyah hướng dẫn nên giờ đủ ăn, đủ mặc, mình mừng lắm!”-chị Phyơt chia sẻ.

Còn chị Rơ Châm Blíp thì tự hào kể: “Nhờ bà hướng dẫn làm kinh tế, nhờ bà dạy bảo, lúc nào tới nhà cũng nhắc nhở 2 vợ chồng vươn lên nên gia đình mình mới được như ngày hôm nay”. Cơ ngơi của gia đình chị hiện nay gồm hơn 1 ha cao su, 1 ha cà phê và khoảng 3 ha điều. “Mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 170 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-gương mặt rám nắng của chị Blíp thoắt rạng rỡ.

Trong khi đó, ở cộng đồng làng Dọch Tung (xã Ia Krái), chưa có người phụ nữ nào cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò như bà Puih Phyim. Bà được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ từ năm 2010 đến 2020; Trưởng thôn từ năm 2018 đến 2022 và là già làng từ năm 2015 đến nay. Bà Phyim bày tỏ: “Tôi cũng áp lực nhưng cố gắng vươn lên vì đó là trách nhiệm của người đảng viên".

Bà Phyim nói về tâm nguyện của bản thân

Thời điểm khó khăn nhất, vừa một nách 6 con, vừa làm công tác chuyên môn ở xã nhưng bà Phyim và chồng vẫn nỗ lực khai hoang để trồng lúa, lo cái ăn trước mắt. Với sự cần cù, diện tích khai hoang của gia đình mở rộng đến 9 ha.

Năm 1998, bà là người đầu tiên trong làng vay vốn trồng mì. Từ nguồn vốn 2 triệu đồng, năm đó bà thu về gần 30 triệu đồng, mua được chiếc tivi màu để tối tối cả làng cùng kéo đến xem.

e4d116f073b9c9e790a8.jpg
Bà Phyim thăm hỏi một hộ nghèo trong làng

“Thời gian đầu, người dân vẫn còn e ngại, sợ vay vốn rồi làm không hiệu quả, không trả được nợ. Tôi giải thích để bà con hiểu, nhu cầu bao nhiêu thì vay bấy nhiêu và phải sử dụng đúng mục đích. Mình có đất đai, có sức khỏe, chỉ cần chịu khó, kinh tế ắt sẽ mạnh, không việc gì phải sợ”-bà Phyim nói.

Nhận thấy tương lai mà cây cà phê mang lại, bà Phyim xin giống cà phê về tự ươm và trồng 1.200 cây đầu tiên. Bà cũng không ngần ngại ươm tặng các hộ khó khăn lân cận mỗi hộ khoảng 100-200 cây; cho các hộ mượn máy bơm để tưới. Không chỉ hướng dẫn từ kinh nghiệm cá nhân, bà Phyim còn mời những người làm kinh tế giỏi về giúp bà con theo lối cầm tay chỉ việc. Đến nay, làng chỉ còn 6/63 hộ nghèo.

Thực hiện: PHƯƠNG DUYÊN-PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm