Multimedia

Emagazine

Khi phụ nữ là già làng-kỳ 1: Chuyện những nữ già làng đầu tiên

E-magazine Khi phụ nữ là già làng-kỳ 1: Chuyện những nữ già làng đầu tiên

Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, song vai trò già làng lại luôn thuộc về đàn ông. Vì vậy, khi quyền năng này được tin tưởng trao cho phụ nữ thì đúng là “sự lạ”. Vượt qua ngỡ ngàng ban đầu, những nữ già làng đầu tiên tại Gia Lai đã chu toàn trọng trách “thủ lĩnh tinh thần” của cộng đồng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ ở nhiều lĩnh vực như bảo đảm quốc phòng-an ninh, hỗ trợ phụ nữ nâng cao “quyền năng kinh tế”…

“Xưa nay theo luật tục phụ nữ không được lên nhà rông, vậy làm sao mình làm già làng được? Vì già làng là phải biết lên nhà rông cúng Yàng”-bà Puih Phyim (làng Dọch Tung, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) không khỏi bất ngờ khi biết người làng muốn bầu bà lên thay thế già làng đương nhiệm đang đau ốm. Thêm nữa, trước nay ngôi làng Jrai này chưa từng được dẫn dắt bởi một nữ già làng.

Câu chuyện về bà Phyim là lý do cho cuộc gặp giữa chúng tôi với người phụ nữ đặc biệt này.

Khi chúng tôi đến thăm nhà, bà Phyim đã chờ sẵn bên ấm trà nóng. Sau vườn, cà phê chín trĩu cành chờ thu hái; trước sân cây bưởi la đà trái, đổ bóng ôm trọn một góc sân. Khung cảnh quá đỗi yên bình và no đủ.

Trong xã hội Tây Nguyên xưa, già làng thường là người lớn tuổi, có tài đức, uy tín và hiểu biết sâu rộng. Họ được xem là kho kinh nghiệm quý báu của cộng đồng trong ứng xử giữa con người với tự nhiên cũng như con người với nhau. Mọi vấn đề lớn đến nhỏ trong cộng đồng đều đến tay già làng phân xử, giải quyết.

Trong xã hội hiện nay, dù già làng không còn “quyền lực” như trước song vẫn giữ vai trò điểm tựa quan trọng trong đời sống cộng đồng. Họ là người vừa định hướng để bà con học tập và làm theo chủ trương, đường lối đúng đắn, mô hình hay, vừa vận động giữ gìn mỹ tục, loại bỏ hủ tục, gắn kết cộng đồng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chỉ tay lên 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công, bà Phyim cho hay, cha mẹ bà đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Trường Nuôi dạy con liệt sĩ Kpă Kơ Lơng (tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũ), năm 1979 bà về làm nhân viên Hợp tác xã Ia Krái.

Nhờ sự năng động, nhanh nhẹn, năm 1984, bà được bầu là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; sau đó 2 năm là Chủ tịch Hội. Từ đó cho đến khi về hưu, người đảng viên 33 năm tuổi Đảng này lần lượt trải qua các vị trí công tác gồm Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Krái.

bd1279215068ea36b379.jpg
Bức tường sau lưng bà Phyim treo hàng loạt bằng khen, giấy khen ghi nhận thành tích của bà qua các năm công tác

Bà Phyim vẫn nhớ rõ một chuyện đau lòng xảy ra trong làng vào ngày 1-6-1991. Khi đó, vợ ông Ksor Alơn qua đời do bị sót nhau sau khi sinh đứa con thứ 5. Theo luật tục, đứa trẻ sơ sinh sẽ bị chôn theo mẹ. Hay tin, bà đến nơi thì thấy đứa trẻ được quấn tạm bằng mấy tấm giẻ rồi bị bỏ nằm 1 góc, không cho bú mớm.

Thương đứa trẻ vô tội, bà thuyết phục dân làng cho đem về nuôi. Ông Alơn mừng vui như được cởi bỏ một gánh nặng. Rồi việc qua lại chăm sóc đã khiến một tình cảm khác lạ nhen lên giữa bà và bố đứa trẻ-người đàn ông vụng về lo lắng cho cái ăn, cái mặc hàng ngày của những đứa con nhỏ dại. Bà Phyim tình nguyện trở thành mẹ chúng. Cuộc sống lúc đó vô cùng vất vả khi bà phải cùng lúc chăm lo cho 6 đứa trẻ (kể cả 1 đứa con riêng của bà trong cuộc hôn nhân trước).

“Ngày đó đứa dắt, đứa bồng trên tay, đứa địu sau lưng đưa đến trường rồi mới đi làm. Nhưng tôi hạnh phúc vì ông Alơn thương yêu tôi lắm. Ông muốn vợ trở thành người vừa đảm đang việc nhà, vừa làm tốt việc xã hội”-bà Phyim mỉm cười nhớ lại. Cũng từ đây, hủ tục chôn con theo mẹ được bà vận động xóa bỏ. Và rồi, với sự tín nhiệm và động viên từ bà con dân làng, từ năm 2015 đến nay, bà Phyim đã khẳng định bản thân có thể gánh vác tốt hơn mong đợi đối với vai trò già làng vốn chỉ dành cho đàn ông.

Tại xã Ia Krái còn có một nữ già làng khác cũng được dân làng tin yêu nhất mực, đó là bà Rơ Châm Phyah (làng Tung Breng). Ở tuổi xấp xỉ 80, người phụ nữ này vẫn toát lên khí chất mạnh mẽ, thông tuệ của người đã từng kinh qua nhiều vai trò khác nhau.

Bà Phyah tham gia cách mạng năm 1962; năm 1969 thì vinh dự được kết nạp Đảng. Chỉ 1 năm sau đó, bà đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; từ năm 1986 đến 1990 là Chủ tịch UBND xã Ia Krái. “Một mặt Đảng và Nhà nước quan tâm, một mặt bản thân mình tự vươn lên” là cách bà nói về những nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác.

Năm 2015, sau khi chồng bà là ông Rơ Châm Krong-nguyên Chủ tịch UBND huyện, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Păh (cũ), già làng đương nhiệm-qua đời một thời gian, bà Phyah được dân làng tín nhiệm bầu lên thay thế.

Người phụ nữ có 55 năm tuổi Đảng nói về “lý tưởng” mà bà theo đuổi từ bấy đến nay.

Chính bởi tâm niệm ấy mà chuyện nhỏ, chuyện lớn trong làng người dân đều tìm đến bà để được giải quyết rốt ráo, thấu tình đạt lý.

Gần 3 thập kỷ qua, người dân làng Krông (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) chỉ suy tôn một người duy nhất làm già làng, đó là người phụ nữ tài giỏi Ksor H’Blâm. Trong số ít các nữ già làng tại Gia Lai, bà là trường hợp đầu tiên nắm giữ “quyền lực” vốn chỉ thuộc về đàn ông.

Ngồi dưới gốc cây xoài tán rộng, tỏa bóng mát bên hông nhà, nữ già làng ngót nghét tuổi bát tuần nhớ lại: Với lòng căm thù giặc sâu sắc, 15 tuổi bà đã làm giao liên và sau đó trở thành chiến sĩ của mặt trận B3.

Từ năm 1967 đến 1970, bà được cử ra miền Bắc học tập rồi trở về địa phương tiếp tục chiến đấu, bảo vệ quê hương. 25 năm binh nghiệp, đối diện với vô vàn hiểm nguy, từ bom đạn chiến tranh đến truy quét thế lực phản động FULRO, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy không hề chùn bước.

Nghỉ hưu, về làng với quân hàm Thượng úy, bà H’Blâm trở thành người phụ nữ Jrai đặc biệt nhất lúc bấy giờ. “Người làng nói mình tài giỏi và giàu có. Tài giỏi vì không bị súng đạn làm cho bị thương, lại còn được học con chữ nên biết nhiều, hiểu rộng. Còn giàu có là vì có lương hưu mỗi tháng”-bà H’Blâm hóm hỉnh lý giải.

Chứng kiến người dân quay quắt với đói nghèo, trách nhiệm của một đảng viên, một chiến sĩ cách mạng thôi thúc bà phải hành động. Bà dùng số tiền lương ít ỏi và dệt thêm 3 bộ thổ cẩm thật đẹp, đi bộ gần 40km đường rừng đến xã Ia Boòng đổi lấy 2 con bò to đem về nuôi.

“Hay tin, người làng kéo đến xem đông lắm. Họ “bán tin bán nghi” về việc bò có thể sống và sinh sản được ở vùng biên khắc nghiệt. Mình biết nói suông bà con cũng không tin nên cứ chăn thả, chăm sóc chờ thời gian trả lời. Sau này, đàn bò sinh sản, nhiều hộ đến xin đổi lúa, đổi chiêng lấy bò. Có hộ khó khăn, mình đưa bò cho nuôi, sau đó cho luôn bê con”-bà H’Blâm chia sẻ.

Sống một mình lại tự túc được lương thực, thực phẩm nên gần như bà không chi tiêu đến tiền lương hưu mỗi tháng. Vì vậy, trong làng ai có nhu cầu, bà đều cho mượn. Thay vì dặn dò phải trả nợ đúng hạn, bà chỉ nhắc các hộ sử dụng tiền đúng mục đích để đầu tư sản xuất, nuôi dạy con cái. Từ sự kính trọng, nể phục, chuyện dân làng bầu bà làm nữ già làng đầu tiên cũng là điều rất dễ hiểu.

Bà H'Blâm nói về việc được dân tín nhiệm, không chỉ là già làng mà còn là... già xã

Cũng tại huyện Chư Prông, đi theo tuyến đường quốc lộ 14C-tuyến đường huyết mạch vùng biên hơn 40km, chúng tôi đến thăm bà Siu Phyin-nữ già làng đầu tiên ở xã biên giới Ia Púch. Sự mạnh mẽ cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm của cựu nữ du kích năm xưa, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vẫn hiện hữu trong từng cử chỉ, lời nói. Đặc biệt, bước sang tuổi 75, đôi tay bà vẫn thoăn thoắt bên khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống với hoa văn đặc sắc.

Cách đây gần 30 năm, bà Phyin là người tiên phong đưa cây điều về làm cây chủ lực của vùng đất khó. Hiểu rõ “lời nói suông không lọt được tai dân”, một mặt bà kiên trì tuyên truyền, mặt khác tiên phong cải tạo vườn tạp, diện tích đất đồi dốc của gia đình để trồng cây điều.

“Mình trồng hết 3 đám rẫy với 8 ha. Dân làng ban đầu nghi ngại vì điều là giống cây lạ. Đến khi thấy điều phát triển xanh tốt, dân làng mới tin, không còn ai bỏ đất trống nữa”-bà Phyin chia sẻ. Bà còn dành thời gian truyền nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần cho phụ nữ trong làng với hy vọng những giá trị truyền thống của dân tộc mãi được gìn giữ, lưu truyền.

Mạnh mẽ, quyết đoán và giỏi giang là vậy nhưng khi được cộng đồng suy tôn làm già làng, chính người trong cuộc cũng bất ngờ. “Mình sợ lỗ tai không nghe hết những điều dân nói, đầu óc không nghĩ hết cho dân. Nhưng cộng đồng đã suy tôn thì không thể từ chối”-bà Phyin kể.

Thực hiện: PHƯƠNG DUYÊN-PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm