(GLO)- Năm 2020, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh phấn đấu 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa công nghệ quản lý, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Gia tăng tiện ích cho khách hàng
Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động, hình thành Kho bạc điện tử là mục tiêu cụ thể được đặt ra đối với hệ thống KBNN đến năm 2020. Theo đó, thay vì đến Kho bạc để giao dịch, khách hàng chỉ cần đăng nhập tại Cổng thông tin điện tử KBNN, có tích hợp hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bao gồm các ứng dụng như: “Đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản, thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký”, “Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa thuộc lĩnh vực kho bạc”, “Giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán”, “Hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào ngân sách nhà nước”, “Đăng ký rút tiền mặt”, “Tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN”.
Kể từ khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, số lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại KBNN đã giảm hẳn. Ông Lê Văn Ánh-Phó Giám đốc KBNN huyện Đak Đoa-cho biết: “Từ tháng 5-2019, chúng tôi đã lựa chọn các đơn vị để triển khai dịch vụ công trực tuyến. Tiêu chí lựa chọn là đơn vị phát sinh giao dịch ít, các thủ tục thanh toán đơn giản, có khoảng cách gần Kho bạc để khi phát sinh vướng mắc dễ hướng dẫn xử lý. Đến cuối năm 2019, số đơn vị đăng ký dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 90% và đến tháng 6-2020, con số này đã đạt 100%”.
Từ khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại KBNN huyện Đak Đoa đã giảm hẳn. Ảnh: S.C |
Thuận lợi hơn khi giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến là cảm nhận của đội ngũ kế toán các đơn vị thường xuyên giao dịch với Kho bạc. Chị Đào Thị Ngọc Mai-kế toán Trường Mẫu giáo Glar (xã Glar, huyện Đak Đoa) cho biết: “Thay vì phải trực tiếp đến Kho bạc, tôi chỉ cần sử dụng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các giao dịch chủ yếu như chi tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền dạy thêm giờ, các khoản chi hành chính khác và một vài chế độ cho học sinh. Tôi nhận thấy dịch vụ công trực tuyến đem lại nhiều thuận lợi cho người sử dụng, kể cả thứ bảy, chủ nhật hoặc tranh thủ giờ nào cũng có thể đẩy chứng từ lên”. Từ trải nghiệm thực tế qua gần 1 năm đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chị Mai cho rằng, thông qua ứng dụng này, trạng thái xử lý chứng từ, hồ sơ giao dịch trên hệ thống được thông tin đầy đủ, chính xác cho kế toán, thủ trưởng đơn vị qua email, hoặc thủ trưởng đơn vị có thể kiểm tra, duyệt chứng từ qua ứng dụng trên thiết bị di động.
Tương tự, chị Lương Minh Thảo-kế toán UBND thị trấn Đak Đoa-chia sẻ: “Kể từ khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến, kế toán chỉ cần ngồi tại chỗ là có thể xử lý chứng từ, tìm kiếm chứng từ một cách nhanh chóng mà không phải chờ đợi lâu. Nếu KBNN tiếp nhận, kiểm tra thấy chứng từ sai sót thì lập tức đẩy trả qua dịch vụ công trực tuyến để đơn vị bổ sung, chỉnh sửa ngay”. Để đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến của KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chỉ cần có máy tính kết nối mạng internet, máy scan, chữ ký số. Tuy nhiên, hiện nay, dung lượng file đính kèm để tải lên ứng dụng dịch vụ công tối đa là 5 Mb. Trường hợp chứng từ nhiều, dung lượng file nặng thì không tải lên hết được nên một số thủ tục liên quan đến chi đầu tư vẫn phải thực hiện trực tiếp tại KBNN.
Minh bạch, công khai hoạt động
Không chỉ mang lại nhiều thuận lợi cho đơn vị sử dụng, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN. Bà Lê Thị Lan-Kế toán trưởng KBNN huyện Đak Đoa-thông tin: “Chúng tôi có 5 giao dịch viên phụ trách 115 đơn vị. Theo quy trình trước đây, giao dịch viên nhận chứng từ xong phải kiểm tra, nhập thông tin vào hệ thống Tabmis, sau đó chuyển qua kế toán trưởng, giám đốc duyệt. Hiện nay, các thao tác đều thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nên nhanh hơn. Khi chứng từ đến, giao dịch viên nhận và giải quyết ngay trong ngày. Quan trọng nhất là hệ thống này giúp hạn chế sai sót, đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách khi yêu cầu nhập thông tin chính xác”.
Đến năm 2020, Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào quy trình kiểm soát chi nhằm nâng cao tính minh bạch. Ảnh: S.C |
Mục tiêu đến 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử đang được hiện thực hóa một cách cụ thể qua dịch vụ công trực truyến. Tại KBNN Gia Lai, trừ khối an ninh, quốc phòng thì hiện đã có 274/283 đơn vị đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Do vậy, KBNN đang phấn đấu trong tháng 6 này đạt mục tiêu 100% đơn vị trên toàn tỉnh đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đây là mục tiêu khả thi bởi hiện nay, tỷ lệ đơn vị đăng ký đã đạt hơn 96%. Về phía KBNN đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành vận động các đơn vị giao dịch về mục đích, lợi ích dịch vụ công trực tuyến mang lại và hỗ trợ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kiểm soát Chi (KBNN tỉnh) nhấn mạnh: “Hiện nay, Kho bạc hầu như không có nhiều khách giao dịch nhưng khối lượng hồ sơ, chứng từ phải kiểm tra, kiểm soát rất nhiều. Thông qua dịch vụ công trực tuyến, hiệu quả làm việc được nâng cao rõ rệt. Cán bộ giao dịch không phải nhập thông tin lần 2 trên hệ thống Tabmis, hầu như giảm thiểu giao dịch nhận chứng từ trực tiếp nên hoạt động của Kho bạc minh bạch hơn, phục vụ các đơn vị, doanh nghiệp, người dân tốt hơn. 100% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực KBNN đều được giải quyết đúng hạn”.
SƠN CA