Gõ từng nhà tiêm phòng chó, mèo
Gia Lai hiện có trên 217 ngàn con chó, mèo của 125 ngàn hộ gia đình nuôi làm cảnh, giữ nhà và vườn rẫy. Đặc biệt, hầu hết người dân đồng bào dân tộc thiểu số nuôi chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm và ít được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý đàn chó, mèo của cơ quan chuyên môn và các địa phương.
Để đảm bảo kế hoạch phòng- chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản năm 2024, UBND đã ban hành Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 3-11-2023, phê duyệt Kế hoạch phòng- chống dịch bệnh trên cạn và thủy sản trong đó các địa phương xuất kinh phí mua vắc xin tiêm phòng bệnh dại chó, mèo là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn số ca tử vong do bệnh dại gây ra.
Chó nuôi thả rông rất khó bắt để tiêm phòng.Ảnh: Nguyễn Diệp |
Mới đây, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã hỗ trợ 2 huyện Chư Sê và Đức Cơ 10.000 ngàn liều vắc xin để tiêm phòng cho đàn chó, mèo của địa phương. Trong đó, huyện Chư Sê 8.000 liều và Đức Cơ 2.000 liều kết hợp với nguồn vắc xin bệnh dại mà 2 địa phương sẽ xuất kinh phí mua hỗ trợ người dân tiêm phòng sẽ đạt tỷ lệ theo quy định. Đến nay, 2 địa phương đang khẩn trương tiêm phòng cho đàn chó, mèo ở các xã, thị trấn
Tại huyện Chư Sê, ngay khi tiếp nhận nguồn vắc xin hỗ trợ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện huy động cán bộ thú y ở 15 xã, thị trấn, chia thành các nhóm cùng triển khai tiêm phòng đồng loạt theo hình thức cuốn chiếu tập trung từ xã này sang xã khác. Hệ thống chính trị ở các thôn, làng dẫn đoàn đến từng nhà dân để tiêm phòng cho đàn chó, mèo.
Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn chó tại xã Ia Glai.Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng thôn Nhơn Phú (xã Ia Glai, huyện Chư Sê)-cho biết: Toàn thôn hiện có 143 hộ gia đình, hầu hết đều nuôi từ 1-2 con chó, mèo để giữ nhà và đưa vào vườn rẫy cà phê, hồ tiêu. Sau khi được hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho đàn chó, mèo, cán bộ thôn đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân cùng phối hợp với cán bộ thú y đến tiêm phòng chó, mèo nuôi của gia đình bảo vệ trong gia đoạn đang nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, hiện nay đang là cao điểm của mùa khô người dân tập trung tưới cà phê và các cây trồng khác dẫn đến khó khăn trong quá trình tiêm phòng.
Còn bà Nguyễn Thị Trinh (thôn Nhơn Phú, xã Ia Glai)-thông tin: Từ trước đến nay gia đình nuôi 4 con chó được nuôi nhốt trong chuồng với mục đích giữ nhà. Hàng năm, tôi đều mua 4 liều vắc xin bệnh dại với giá hơn 200 ngàn đồng về tiêm phòng cho đàn chó để bảo vệ các thành viên trong gia đình mình cũng như hàng xóm tránh tình trạng chó nuôi của mình tấn công người xung quanh gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Năm nay, đang chuẩn bị mua vắc xin thì được Nhà nước hỗ trợ và cán bộ thú y đến tận nhà tiêm phòng, gia đình rất phấn khởi và chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước trong việc nuôi chó, mèo
Còn nhiều khó khăn
Gia Lai là điểm nóng đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại, một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại còn thấp. Ý thức người dân trong việc tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho đàn chó, mèo chưa cao. Vì vậy, công tác tiêm phòng vắc xin vẫn còn nhiều khó khăn và trăn trở nhất hiện nay.
Ông Rơlan Hyum- cán bộ thú y xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê)- chia sẻ: Từ nhiều ngày nay, lực lượng thú y toàn huyện cùng đi tiêm phòng đồng loạt theo hình thức cuốn chiếu từ xã này sang xã khác để nhanh chóng hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn chó, mèo ở các xã, thị trấn. Dù vậy, khó khăn hiện nay là người dân không có ở nhà để bắt chó để tiêm phòng.
Ông Rowlan Hyum- cán bộ thú y xã Ia Tiêm đang chuẩn bị tiêm phòng cho đàn chó, mèo xã Ia Glai.Ảnh: Nguyễn Diệp |
Còn bà Nguyễn Thị Uyên Ny- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê- cho biết: Trước đây cán bộ thú y xã nào thì tiêm xã đó, còn năm nay chúng tôi đổi mới trong công tác tiêm phòng khi huy động 15 cán bộ thú y ở các xã, thị trấn cùng đi tiêm phòng đồng loạt. Dù vậy, vẫn còn gặp không ít những khó khăn như chủ nhà không bắt được chó hoặc đi vắng nên không thể tiêm phòng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Vượt qua những khó khăn này, đến nay toàn huyện đã hoàn thành tiêm phòng 8.000 liều vắc xin hỗ trợ từ Cục Thú y, cấp giấy chứng nhận đã tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho người dân. Hiện nay, đơn vị đang tổ chức đấu thầu nguồn vắc xin bệnh dại do huyện hỗ trợ để tiêm phòng cho đàn chó, mèo của địa phương đạt kết quả theo quy định.
Thông tin sơ bộ từ Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 3-11-2023, của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng- chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024. Đến ngày 24-4 đã có 16/17 huyện, thị xã và thành phố bố trí ngân sách phòng chống bệnh động vật với kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Mới có 12/17 địa phương đã xuất kinh phí mua vắc xin, tiền công tiêm phòng bệnh dại hơn 579 triệu đồng, còn lại 5 địa phương chưa bố trí kinh phí mua vắc xin tiêm phòng bệnh dại. Đến nay, các địa phương đã bố trí được 51.100 liều vắc xin dại để tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Trong đó, 34.757 liều vắc xin từ nguồn kinh phí năm 2024 đang triển khai đấu thầu và 16.525 đã tiêm phòng từ các nguồn hỗ trợ của Cục Thú y, xã hội hóa tiêm phòng… đạt 33.2% so với Quyết định số 666/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Tiêm phòng cho mèo nuôi.Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trong thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra trên địa bàn tỉnh rất cao do diễn biến phức tạp, thời tiết giao mùa. Đặc biệt, tình trạng chó, mèo chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh hoặc đã được tiêm phòng bệnh nhưng hết hạn miễn dịch. Thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh dại phát triển ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn chó, mèo. Vì vậy, giải pháp ngăn chặn bệnh dại là tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho chó, mèo thì mới hạn chế được bệnh dại trên người.