Thể thao

Khó như bình luận bóng đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việt Nam từ lâu được coi là một trong những đất nước yêu bóng đá nhất trên thế giới. Và nếu như ai đó đã nói đại ý là ở Brazil, đất nước nhiều lần vô địch World Cup nhất, mỗi người dân đều giống như một huấn luyện viên bóng đá thì ở nước ta, mỗi người hâm mộ cũng có thể coi là một bình luận viên của môn thể thao vua này.

Bằng chứng là cứ mỗi khi có giải bóng đá, từ SEA Games, AFF Cup đến Euro, World Cup, đi đến đâu cũng thấy già trẻ, gái trai sục sôi bàn luận, hết chê cầu thủ này đá dở, huấn luyện viên kia kém tài lại khen đội này đá hay, cầu thủ kia chơi xuất sắc.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mà phàm đã nói đến chuyện bình luận thì xưa nay chín người mười ý, nào ai dễ chịu nghe ai. Đến ngay cả các bình luận viên bóng đá trên truyền hình hay những cây bút thể thao gạo cội của các báo nhiều khi cũng bị khán giả, người đọc chê te tua, “ném đá” không thương tiếc bởi đủ thứ lý do chẳng ai giống ai. Lấy ví dụ như trường hợp bình luận viên Vũ Quang Huy, trước đây làm cho VTV, giờ đã chuyển sang Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Không chỉ tôi mà nhiều người hâm mộ đều rất thích các trận bóng đá do Vũ Quang Huy bình luận bởi anh có chất giọng trầm ấm dễ nghe, độ am hiểu bóng đá tuyệt vời. Ngoài khả năng phân tích rất tốt các tình huống trên sân, bình luận viên này còn luôn đem đến cho khán giả những thông tin độc đáo, hết sức thú vị về đội bóng, cầu thủ đang thi đấu. Thế nhưng, Vũ Quang Huy vẫn bị nhiều người chê bởi lối bình luận của anh có phần khá tẻ nhạt, dễ khiến người ta buồn ngủ.

Ở chiều ngược lại với Vũ Quang Huy là một số bình luận viên của VTV, trong đó có Tạ Biên Cương. Từ nhiều năm nay, rất nhiều người xem bóng đá trên VTV đã coi Tạ Biên Cương là một “thảm họa bình luận” bởi anh rất hay có những câu nói hoa mỹ nhưng sáo rỗng, thậm chí ngô nghê như kiểu “anh rất khỏe nhưng anh chạy rất nhanh”, “bây giờ thì 1+3 không phải bằng 4 nữa rồi”… Đấy là chưa kể những tình huống mà bình luận viên này “gào rú” khi đội bóng mà anh yêu thích ghi bàn hay bỏ lỡ cơ hội ghi bàn khiến những người hâm mộ đội bóng khác cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, cũng có rất nhiều người hâm mộ lại thích thú với những trận đấu có Tạ Biên Cương bình luận bởi họ cho rằng, lối bình luận có phần thái quá của anh khiến họ thấy trận đấu thêm sôi nổi, hào hứng, ít buồn ngủ. Nhiều người còn coi những câu nói hoa mỹ, ngô nghê đến buồn cười của Tạ Biên Cương như một thứ gia vị giải trí bên cạnh những pha bóng mà họ đang theo dõi.

Sở dĩ phải nhắc đến 2 nhân vật điển hình cho 2 phong cách bình luận khá trái ngược nhau này là để nói rằng, bình luận bóng đá chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nếu như không muốn nói là rất khó khăn. Bởi lẽ, nếu mỗi trận bóng đá chỉ có 1-2 bình luận viên thì lại có đến hàng triệu khán giả theo dõi. Mà mỗi khán giả lại mong chờ được nghe những điều khác nhau. Vậy thì dù có tài thánh, các bình luận viên cũng không thể tránh được sự khen-chê của người xem.

Với những bình luận viên chuyên nghiệp mà còn như vậy, chuyện các hot girl bình luận World Cup trên sóng VTV những ngày qua bị đông đảo người hâm mộ “ném đá” bởi sự thiếu hiểu biết, ngây ngô đến ngờ nghệch về bóng đá thiết nghĩ chẳng có gì lạ. Chỉ có điều, cá nhân người viết thấy, trong trường hợp này, nhiều người đã không hiểu rõ vai trò của các hot girl trong chương trình bình luận World Cup của VTV. Họ xuất hiện trên sóng truyền hình không phải với tư cách một chuyên gia bóng đá hay một bình luận viên để đem đến cho người xem những phân tích, thông tin giá trị, có chiều sâu. Họ chỉ góp mặt ở đây như một người hâm mộ bóng đá xinh đẹp để giúp cho các chương trình bình luận của VTV có thêm sự đa dạng, tăng tính giải trí. Và nếu những điều các hot girl nói ra khiến ai cảm thấy buồn cười hay khó chịu thì người đó cũng nên nghĩ rằng, biết đâu cũng những câu nói ấy, hay chính gương mặt khả ái của họ lại khiến người khác cảm thấy vui vẻ, thư giãn trước khi bước vào theo dõi một trận bóng đá.

Vậy thì thiết nghĩ, nhiều người hãy thôi “ném đá” các hot girl, các bình luận viên. Bởi đơn giản, điều người hâm mộ chờ đợi nhất không phải là những chương trình bình luận mà chính là những màn so tài hấp dẫn trên sân cỏ. Thế nên, thay vì bực mình, khó chịu với những điều nhỏ nhặt, hãy để tâm tận hưởng bữa tiệc bóng đá 4 năm mới có một lần.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm