(GLO)- Bữa cơm tất niên cho các phạm nhân Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) là hoạt động đầy nhân văn mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đây cũng là dịp “đánh thức” lương tri của những người đã mắc lầm lỡ, khơi dậy trong họ khát khao hoàn lương để sớm trở về đoàn tụ bên gia đình.
Ngay từ tinh mơ ngày 15-1, những phạm nhân tại Trại giam Gia Trung đã tất bật bắt tay chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Những chiếc bánh chưng do chính tay các phạm nhân làm đã được vớt ra, thơm lừng mùi lá dong và gạo nếp. Trên khuôn mặt các phạm nhân đều ánh lên niềm vui, không chỉ vì bữa cơm đặc biệt mà còn bởi họ sắp được gặp người thân của mình.
Cũng như bao phạm nhân khác, sáng 15-1, Hồ Xuân Cường (34 tuổi, ở TP. Pleiku) dậy từ rất sớm bởi niềm háo hức được gặp người thân. Đã 7 năm rồi, Cường phải đón Tết trong trại giam. Tất cả bắt đầu từ một buổi tối mùa mưa, sau khi đã nhậu say, Cường vẫn quyết định điều khiển chiếc xe ô tô tải của ông chủ về nhà. Trời mưa tầm tã, Cường đã tông phải một người đàn ông rồi kéo lê nạn nhân đi một đoạn đường dài mà không hề hay biết. Nạn nhân tử vong, Cường lĩnh án 13 năm tù. Khi ấy, Cường đã có vợ và cô con gái nhỏ đang học mầm non.
Một phạm nhân tại Trại giam Gia Trung được gặp người thân trong ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý. Ảnh: L.V.N |
Khoảnh khắc sai lầm cướp đi mạng sống của một con người khiến Cường luôn ám ảnh, ân hận. Nhưng Cường không chôn vùi mình trong bóng đen của quá khứ mà tự dặn lòng phải cải tạo thật tốt để sớm có cơ hội trở về với gia đình. 2 năm sau ngày Cường đi tù thì vợ viết đơn ly dị. Không muốn tuổi thanh xuân của vợ trôi qua trong chờ đợi, Cường đồng ý ký vào đơn. Vợ bỏ đi nhưng bà N. T. T. (mẹ Cường) thì vẫn đều đặn hàng tháng đến trại thăm cậu con trai cả. Đã 7 năm qua, chưa một cái Tết nào bà T. cảm thấy ấm áp bởi có 2 người con thì 1 người đã rơi vào vòng lao lý.
Thấy Cường bước ra từ khu giam giữ, bà T. đã rưng rưng. Thương cậu con trai ngày nào chăm chỉ lao động nay phải vướng cảnh tù tội, bà không cầm được nước mắt. “Cũng trải qua được hơn nửa chặng đường rồi, mong nó sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Thấy các cán bộ nói rằng nó chịu khó cải tạo, không vi phạm kỷ luật, tôi mừng lắm. Hy vọng nó được xem xét giảm án để về làm lại cuộc đời chứ tôi cũng già rồi”-bà T. ngậm ngùi.
Cùng chung mong ước, ông P.V.C. (trú tại TP. Pleiku) và vợ cũng tranh thủ đến thăm cậu con trai Phạm Thành Long để động viên con mình cố gắng cải tạo. Long bị kết mức án 8 năm tù về tội “Giết người” cách đây hơn 2 năm. Ăn Tết trong trại 2 năm, Long đã dần thấm thía lỗi lầm của mình. Long chia sẻ: “Mỗi lần thấy ba mẹ vô thăm, em thương lắm. Sai lầm của em khiến ba mẹ giờ phải khổ như vậy. Thời gian còn rất dài nhưng em sẽ cố gắng từng chút một để sớm được trở về với gia đình”.
Thượng tá Đào Ngọc Sỹ-Phó Giám thị Trại giam Gia Trung-cho hay: “Ngoài bữa cơm tất niên, trong dịp Tết này, các phạm nhân sẽ được hưởng chế độ ăn gấp 5 lần ngày thường. Từng phân trại cũng tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy và thành lập tổ văn nghệ đi biểu diễn, giao lưu với nhau. Đơn vị cũng lên danh sách 139 phạm nhân trong thời gian qua không có người thăm nuôi để tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, từ đó ai cũng có thể cảm nhận được không khí Tết. Những hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục phạm nhân, giúp họ cảm nhận giá trị ngày Tết cổ truyền của dân tộc để từ đó cố gắng cải tạo, sớm hoàn lương, khi trở về với xã hội sẽ hòa nhập, không tái vi phạm pháp luật”.
Mâm cơm tất niên ở Trại giam Gia Trung hôm ấy đầy ắp tiếng cười chan hòa với những khúc nhạc mùa xuân vang lên từ sân khấu. Nhưng đâu đó vẫn có những tiếng nấc sụt sùi bởi nhìn thấy bánh chưng, dưa hành, nhiều phạm nhân đã không cầm được lòng mình. Nếu không mắc lầm lỡ, có lẽ giờ này, họ cũng đang tất bật sắm sửa một cái Tết vui tươi bên gia đình.
LÊ VĂN NGỌC