Sống trẻ - Sống đẹp

Khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.


Với các hạng mục: Đền tưởng niệm, tượng đài, hệ thống hạ tầng sân đường, cây xanh, chiếu sáng được chạm trỗ bằng các họa tiết tinh tế, kết hợp nghệ thuật tạo hình sáng tạo cùng với sự trang trí chuông đồng, rồng chầu đã đem đến cho công trình những đường nét thẩm mỹ độc đáo và là nơi linh thiêng để cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến thăm viếng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.

Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Hồng Thương
Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Hồng Thương

Công trình tầm cỡ và có giá trị

Sau hơn 1 năm triển khai, công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn xiết của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Gia Lai nói chung, huyện Đak Pơ nói riêng. “Đây là một công trình có ý nghĩa lịch sử và thiêng liêng, được toàn thể nhân dân mong mỏi nên chúng tôi chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên có mặt phối hợp với UBND huyện để đốc thúc kịp thời giải quyết các vướng mắc, khắc phục khó khăn để đảm bảo thi công đúng tiến độ. Mặc dù, thời gian thi công rơi vào mùa mưa, lại thiếu nước khi trời nắng đã gây khó khăn cho việc xây dựng nhưng chúng tôi đã dồn hết công sức và thời gian để hoàn thành công trình sớm nhất”- ông Bùi Thanh Bình-Trưởng phòng Quản lý Chất lượng công trình và vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết.

Chụp hình lưu niệm trước Đền tưởng niệm. Ảnh: Hồng Thương
Chụp hình lưu niệm trước Đền tưởng niệm. Ảnh: Hồng Thương

Tọa lạc trên ngọn đồi từng diễn ra trận chiến Đak Pơ hơn 60 năm trước với diện tích 1,1 ha, Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ biểu hiện cho sự uy nghi, lẫm liệt của người chiến sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay ở lối vào chạm trỗ hình rồng chầu thể hiện cho sự linh thiêng và mang tính thẩm mỹ cao cho mặt tiền của công trình.

Với chiều dài 9 mét, rộng 8 mét, cao 14,5 mét, Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ nằm cao hơn so với mặt đất 46 bậc thang, được đặt tại vị trí trung tâm của công trình. Tượng đài khắc họa 5 nhân vật tạo thành một khối thống nhất, bền vững cùng hướng về phía trước với tư thế dũng mãnh, ánh mắt tự tin đã thể hiện rõ tinh thần chủ động tấn công, sức mạnh đoàn kết, sự hiệp đồng tác chiến của các lực lượng vũ trang làm nên yếu tố quyết định của chiến thắng Đak Pơ.


Đền tưởng niệm liệt sĩ được đặt ở sau tượng đài với diện tích 360 m2, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, lát đá Granit, trần hoa văn gỗ kết hợp chi tiết trống đồng, mái lợp ngói âm dương, chạm trỗ chi tiết đầu rồng, rồng chào đã tạo nên một chỉnh thể kiến trúc đặc sắc và thiêng liêng.

Nói về tính thẩm mỹ của công trình, ông Trần Khánh Chương-Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là một công trình rất tốt về mặt mỹ thuật, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ điêu khắc làm toát lên hình tượng người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tượng đài mang tính vĩnh cửu và đền thờ liệt sĩ, trong ghi lại đầy đủ tên các liệt sĩ trên đá, hy vọng Gia Lai, huyện Đak Pơ và nhân dân tiếp tục bảo vệ, tôn tạo, xây dựng, giữ gìn để công trình uy nghiêm nhưng vẫn đảm bảo gần gũi với nhân dân, để công trình trở thành niềm tự hào của nhân dân Đak Pơ”.

Có mặt tại buổi lễ, cựu chiến binh Trung đoàn 96 Nguyễn Huỳnh Nhâm (TP. Pleiku) tự hào nói: “Có thể nói, công trình đã mang tầm cỡ quốc gia rồi. Nếu ở Điện Biên có công trình Điện Biên Phủ, ở Quảng Nam có công trình Mẹ Việt Nam Anh hùng thì ở Gia Lai có Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Hy vọng, công trình sẽ tồn tại mãi với thời gian, với lòng người dù cho 100 năm hay 1.000 năm sau…”.

Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Hồng Thương
Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Hồng Thương

Ấm lòng chiến sĩ

Ngày công trình được khánh thành, những người lính Trung đoàn 96 năm xưa dù ở các nơi xa xôi, mái tóc đã bạc và đôi chân đã run rẩy nhưng họ vẫn tựu về đây để được tham dự lễ khánh thành. Bởi với họ, về lại nơi đây không chỉ để thăm lại chiến trường, gặp lại đồng đội mà còn được nhìn thấy một công trình mang tầm cỡ và có giá trị tinh thần, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông và 147 chiến sĩ là đồng đội của họ.

Công trình đã trở thành “Ngôi nhà chung” của chiến sĩ Trung đoàn 96, để mỗi khi trở về, những ký ức hào hùng của một thời lửa đạn lại dậy lên. Trong khoảnh khắc thiêng liêng này, họ đã tranh thủ thời gian để thăm hỏi sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của nhau và thành kính thắp lên những nén tâm hương cho những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Và đã có không ít những nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt trong ngày hội ngộ ấy.

Ảnh: Hồng Thương
Ảnh: Hồng Thương

Từng tham gia trận đánh Đak Pơ năm ấy, ông Trần Đăng Đức-thị xã Sông Cầu- tỉnh Phú Yên nghẹn ngào: “Trận đánh Đak Pơ ngày ấy ác liệt lắm. Dù mình chiến thắng nhưng đã có không ít đồng đội đã hy sinh. Có những người bị đạn bay trúng mất đầu, mất thịt chỉ còn xương mà chính tôi và đồng đội đã ghép lại và chôn lấp. Bởi vậy, việc xây dựng công trình là một điều rất đáng trân trọng, vì nó đã động viên được những người đang sống như chúng tôi và an ủi phần nào linh hồn những người đã mất”. Ngước nhìn bức tượng uy nghi một lúc lâu, ông Phan Ngọc Thạch (thành phố Tuy Hòa-tỉnh Phú Yên) cũng xúc động: “Nhìn thấy công trình mà tôi cảm động và ứa nước mắt. Bởi đồng đội của tôi đã hy sinh quá nhiều, lại chôn ở rừng. Mà lúc đó, rừng rậm nhưng giờ trống trải nên những dấu tích để tìm lại đồng đội đã không còn. Dẫu vậy, hy vọng ở đâu đó trong đất lạnh, đồng đội của tôi sẽ ấm lòng hơn khi biết sự hy sinh của mình đã được ghi nhận”.

Sống tại Đak Pơ đã mấy chục năm nay, lúc nào ông Trần Minh Châu cũng lên thăm Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh Đak Pơ. Nay tỉnh đầu tư xây dựng công trình này, ông đã dậy sớm để đến dự lễ khánh thành và nguyện sẽ thường xuyên lên chăm nom, thắp hương cho đồng đội của mình. Bởi với ông, nơi đây không chỉ có đồng đội mà còn có cả con trai Trần Minh Địch đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường trong trận chiến Đak Pơ năm xưa. Ông xúc động bày tỏ: “Thấy công trình đẹp và có tầm cỡ như thế này, tôi mừng quá, không biết nói sao cả”. Ngồi bên cạnh ông Châu, cựu chiến binh Trung đoàn 96 Hà Thâm Chúng hiện sống tại TP. Pleiku cũng thêm vào: “Chúng tôi chẳng biết nói gì nữa đâu. Xúc động lắm, mừng lắm và cảm động lắm”.

Khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Ảnh: Hồng Thương
Ảnh: Hồng Thương

Tại buổi lễ khánh thành, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Đak Pơ đã có mặt từ sáng sớm để đón tiếp các đại biểu, tham gia biểu diễn văn nghệ chào mừng. Không ai bảo ai, họ kính cẩn nghiêng mình dâng lên những nén tâm hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Anh Đỗ Huy Dũng-Phó Bí thư Huyện đoàn Đak Pơ chia sẻ: “Công trình là một điểm nhấn lịch sử quan trọng trên địa bàn huyện. Công trình được xây dựng không chỉ là nơi linh thiêng để cán bộ và các tầng lớp nhân dân thăm viếng và tưởng nhớ công lao của người đã mất mà còn giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào truyền thống cách mạng, ý chí tự cường của dân tộc cho thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ Đak Pơ hôm nay cũng đã xác định sẽ phối hợp với các ban, ngành bảo tồn và duy trì cảnh quan khu tưởng niệm luôn được sạch đẹp đáp ứng được nguyện vọng của các cha ông đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Đến tham gia lễ khánh thành, em Nguyễn Thị Hải Hà (lớp 9 Trường Trần Quốc Tuấn huyện Đak Pơ) chia sẻ: “Em rất tự hào khi được là đại diện của trường đến dự lễ, em rất cảm ơn thế hệ cha ông đã kiên cường chống giặc để cho chúng em có hòa bình như hôm nay, với thế hệ trẻ chúng em cần chăm học giỏi và phấn đấu sau này giúp ích cho nước nhà”.

Ông Nguyễn Trọng Thủy-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ chia sẻ: “Công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ được xây dựng đã đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ huyện Đak Pơ, đặc biệt là chiến sĩ Trung đoàn 96; là nơi để chúng tôi tiếp tục giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc để khơi dậy tinh thần yêu nước, tiếp bước cha anh của các thế hệ trẻ. Đồng thời, phát huy truyền thống tự hào dân tộc để xây dựng và phát triển huyện Đak Pơ vững mạnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội, xứng đáng với những gì cha ông đã gây dựng”.

H.Thương-Q.Tấn-L.Hằng

Có thể bạn quan tâm