Du lịch

Khởi động du lịch: An toàn đến đâu mở đến đó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“An toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”. Lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa đến du lịch quốc tế.

Khôi phục du lịch cần bắt đầu từ
Khôi phục du lịch cần bắt đầu từ "vùng xanh" và phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Ảnh: D.K
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và 25 sở quản lý du lịch 25 tỉnh, thành phố, ngày 5/10, đã họp bàn về việc tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Tại đây, yếu tố an toàn được các nhà quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương đặt lên hàng đầu để mở cửa lại du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
Tiêu chí chung về chứng nhận vaccine
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tái khởi động ngành du lịch. Để bảo đảm an toàn khi tái khởi động du lịch, các địa phương đều mong muốn đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và sớm có một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về chứng nhận vaccine.
Tại hội nghị trực tuyến, các sở quản lý du lịch thông tin, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 hiện nay chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Thực tế có những tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... trong khi nhiều tỉnh, thành phố độ bao phủ vaccine vẫn còn thấp.
Trước thực tế này, Thứ trưởng VHTTDL Đoàn Văn Việt đề nghị các sở quản lý du lịch tiếp tục đề xuất, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm phân bổ vaccine tiêm chủng cho người lao động trong ngành du lịch trên địa bàn để sẵn sàng đón khách du lịch khi đủ điều kiện.
Về chứng nhận tiêm chủng, các đại biểu đề xuất cần tiến tới xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về thẻ xanh (dành cho người đã tiêm đủ liều vaccine) và thẻ vàng (dành cho người tiêm 1 mũi vaccine) để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc đi lại, du lịch. Đồng thời cần có quy định về hộ chiếu vaccine để áp dụng đón khách du lịch quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Tổng cục Du lịch ở Hà Nội. Ảnh: TCDL
Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Tổng cục Du lịch ở Hà Nội. Ảnh: TCDL
Mở cửa theo từng giai đoạn
Tại Hội nghị, các địa phương đã thông báo kế hoạch, giải pháp mở cửa trở lại dần du lịch nội tỉnh, tiến tới đón khách ngoài tỉnh và quốc tế theo từng giai đoạn cụ thể.
Thông báo về việc chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND và đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Dự kiến, trong tháng 10, tỉnh sẽ tiến hành khảo sát và thẩm định các cơ sở dịch vụ ở Phú Quốc để chuẩn bị đón khách du lịch.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa đề xuất ngay sau khi Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế thành công, Khánh Hòa sẽ là địa phương tiếp theo đón khách du lịch quốc tế đến bằng hộ chiếu vaccine, kỳ vọng vào cuối năm 2021.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, hiện nay Khánh Hòa đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ thí điểm, bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Cùng với Khánh Hòa, những địa phương khác có vị trí địa lý thuận lợi, khu vực nghỉ dưỡng khép kín, riêng biệt cũng đề xuất được đón khách du lịch quốc tế như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định…
Hỗ trợ để duy trì nhân lực du lịch
Về vấn đề hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn trong dịch Covid-19, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Du lịch cho biết, tính đến ngày 21/9, cả 63/63 tỉnh thành đã có báo cáo về việc hỗ trợ. Theo đó, các địa phương trên cả nước đã tiếp nhận 5.980 hồ sơ đề nghị hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, trong đó đã thẩm định và phê duyệt cho 4.907 hồ sơ hướng dẫn viên, tổng số tiền chi trả hơn 18 tỷ đồng.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ VHTTDL và các bộ, ngành có liên quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách giảm giá tiền điện, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo, xem xét việc giảm tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Tất cả các giải pháp đã được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhấn mạnh vấn đề duy trì nhân lực cho việc mở cửa trở lại, các địa phương tiếp tục kiến nghị những chính sách hỗ trợ tiếp theo như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, lãi suất cho vay, hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực du lịch,…
Tạo bước đệm từ khôi phục du lịch tại “vùng xanh”
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, các địa phương cần khôi phục hoạt động du lịch tại các “vùng xanh”, tiến tới kết nối các điểm đến an toàn, sau đó phục hồi hoạt động du lịch nói chung phù hợp với tình hình. Theo Thứ trưởng, đây chính là bước chuẩn bị cho những bước đi dài hơn, xa hơn là tiến đến đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai công tác xúc tiến quảng bá, triển khai sáng tạo các giải pháp kích cầu du lịch. Theo đó, kích cầu không đồng nghĩa với giảm giá sản phẩm dịch vụ mà cung cấp đa dạng các tiện ích, trải nghiệm phục vụ khách. Các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Tổng cục Du lịch rà soát, cập nhật, bổ sung các tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 trong lĩnh vực du lịch và tiêu chí đón khách du lịch nội địa. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị ngành du lịch các địa phương căn cứ Kế hoạch 3228 của bộ, tiếp tục chủ động tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh ủy các nhiệm vụ cụ thể về phát triển du lịch trên địa bàn, chủ động chuẩn bị tốt cho lộ trình phục hồi đã đề ra.
T.LINH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm