Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp chỉ với 3,5 triệu đồng ở lĩnh vực bị nói là "khùng"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với mong muốn giảm chi phí đầu tư, xử lý phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, chị Phạm Thị Thanh Tuyền (trú tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã tìm hiểu cách nuôi trùn tại nhiều vùng miền để về áp dụng.
Thử nghiệm với 20m2 chuồng nuôi tại hộ gia đình
Năm 2018, chị bắt đầu thử nghiệm với diện tích 20m2 chuồng nuôi tại hộ gia đình. Đến năm 2019, chị tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN các cấp tổ chức và đạt giải Nhất cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh và lọt vào top 100 dự án tiêu biểu của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về dự án xử lý rác thải hữu cơ và chất thải chăn nuôi bằng giải pháp nuôi trùn quế. Những giải thưởng này đã khích lệ, động viên chị Thanh Tuyền tiếp tục mang giá trị của dự án lan tỏa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế nông nghiệp.
Khởi nghiệp với 3,5 triệu đồng để mua con giống, chị Thanh Tuyền đã dùng bàn tay và công sức của mình để làm ra những sản phẩm đầu tiên. Chị tận dụng chuồng trại cũ của gia đình để bắt đầu thử nghiệm. "Quá trình nuôi thử nghiệm gặp nhiều khó khăn, thất bại về cách nuôi cũng như xử lý thức ăn cho trùn. Nhưng cái khó khăn hơn là cách nhìn của người dân địa phương về mô hình này không mấy thiện cảm. Có người còn nói tôi khùng mới đi làm mấy chuyện này... Nhưng bản thân tôi cảm thấy phù hợp nên vẫn làm, vẫn học hỏi, thử nghiệm. Đến cuối năm, mọi thứ đi vào quỹ đạo, kể cả kinh nghiệm. Cách nhìn của một số người về mô hình này có thay đổi", chị Thanh Tuyền cho biết.
Nhận thấy sự thuận lợi về vùng nguyên liệu, cuối năm 2019, chị Thanh Tuyền mạnh dạn vận động hội viên phụ nữ thành lập Hợp tác xã Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương với 9 thành viên tham gia góp vốn. Hoạt động chăn nuôi trùn với diện tích chuồng nuôi ban đầu là 400m2. Đến nay, Hợp tác xã (HTX) đã có 1.000m2 diện tích chuồng nuôi trùn và 16 thành viên liên kết.
Năm 2019 và năm 2020, HTX nhận hỗ trợ nguồn vốn từ Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương để phát triển mô hình với tổng số tiền 400 triệu đồng. Năm 2020, HTX nhận giải thưởng "Liên kết gia tăng giá trị cho cộng đồng" của TƯ Hội LHPN Việt Nam. Đầu năm 2021, chị nhận được hỗ trợ từ TƯ Hội LHPN Việt Nam với tổng số tiền gần 200 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Các sản phẩm của Hợp tác xã
Các sản phẩm của Hợp tác xã
Ứng dụng công nghệ xử lý rác trong nông nghiệp
Hiện nay, HTX Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương đang ứng dụng công nghệ xử lý rác thải nông nghiệp cũng như chất thải chăn nuôi bằng men vi sinh và một số chất khác để tạo thức ăn phù hợp cho trù. Đồng thời kết hợp xử lý rác thải hữu cơ và chất thải chăn nuôi không còn mùi hôi gây ảnh hưởng môi trường xung quanh. Mô hình đang dần đi vào ổn định, mang lại lợi nhuận cũng như sản phẩm để các thành viên sử dụng.
Hiện nay, HTX có những sản phẩm như: phân trùn quế nguyên chất truyền thống, phân trùn quế nguyên chất đã xử lý và bổ sung vi sinh, dịch trùn quế tưới, bón lá, dịch trùn quế cho chăn nuôi, thịt trùn quế đông lạnh, sinh khối, bộ combo xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng trùn quế, phân trùn quế ép viên...
Những sản phẩm của HTX cung cấp cho các hộ trồng cây lagim, cây ăn trái, bông, rau hữu cơ tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các hộ gia đình có nhu cầu xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế tại nhà và tái sử dụng sản phẩm, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm thủy sản, các HTX nông nghiệp... HTX cũng thường xuyên tham gia các buổi trưng bày giới thiệu sản phẩm do huyện, tỉnh tổ chức.
Hiện nay, HTX tạo việc làm cũng như trao đổi sản phẩm và hợp tác với 9 thành viên chính thức, 16 thành viên liên kết. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ chiếm 83%. HTX tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia phân loại rác thải cũng như xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế, từ đó tận dụng sản phẩm để trồng rau sạch và chăn nuôi sạch.
Hoàng Duy (Theo Phụ nữ Việt Nam/Dân Việt)
https://etime.danviet.vn/khoi-nghiep-chi-voi-35-trieu-dong-o-linh-vuc-bi-noi-la-khung-20210519083814774.htm

Có thể bạn quan tâm