Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để nâng cao thu nhập gia đình và góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Anh Ngô Minh Ngọc (SN 1989, tổ 2, thị trấn Đak Pơ) là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Anh Ngọc cho biết: “Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi quyết định không học đại học mà lập nghiệp tại chính mảnh đất quê hương. Tận dụng lợi thế về đất đồi, tôi nhờ bố mẹ hỗ trợ vốn đầu tư trồng cỏ voi nuôi 5 con bò Brahman”.

 Đàn bò của anh Ngô Minh Ngọc (tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ). Ảnh: R'Ô HOK
Đàn bò của anh Ngô Minh Ngọc (tổ 2, thị trấn Đak Pơ). Ảnh: R'Ô HOK


Do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của anh Ngọc gặp rất nhiều khó khăn. Không nản chí, anh tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi giống bò Brahman trên sách báo, internet, đồng thời dành thời gian tham khảo học tập một số mô hình ở các vùng lân cận. Sau thời gian học hỏi, anh Ngọc nhận ra rằng việc nuôi bò quan trọng nhất là khâu chăm sóc, phòng dịch bệnh, khẩu phần thức ăn cũng phải đủ chất dinh dưỡng. Hiện tại, anh Ngọc sở hữu 14 con bò sinh sản Brahman. Mỗi năm, anh xuất bán 5 con giống với giá 20-25 triệu đồng/con. Trừ các khoản chi phí, anh thu gần 100 triệu đồng/năm. Anh chia sẻ: “Tôi lai tạo giống bò Brahman với bò 3B cho ra những con giống tốt. Bên cạnh đó, tôi trồng 3 ha cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, tôi còn cho bò ăn bổ sung tinh bột bắp và mì, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, theo dõi và tiêm phòng định kỳ. Vì vậy, tôi nuôi trong vòng 6 tháng là có thể xuất bán con giống”.

Tương tự, anh Võ Văn Thương (SN 1994, tổ dân phố 3, thị trấn Đak Pơ) cũng là điển hình về tinh thần lập thân, lập nghiệp. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thương cho biết: Năm 2017, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh dành dụm ít vốn đầu tư mua hệ thống béc phun, cải tạo 6 sào đất của gia đình để trồng chanh dây và măng tây. Nhờ cần cù, chịu khó và chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn chanh dây cho thu hoạch bình quân 1 tạ/ngày. Để có đầu ra ổn định, anh ký hợp đồng cung ứng sản phẩm với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai. Với giá bán 20-30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu gần 100 triệu đồng/năm.

Ngoài trồng chanh dây, với 0,5 sào măng tây, anh thu khoảng 2-3 kg/ngày, giá bán bình quân 50-70 ngàn đồng/kg. Anh Thương cho biết: “Măng tây là loại cây dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, vốn đầu tư thấp nên rất phù hợp với đoàn viên, thanh niên bắt đầu khởi nghiệp”.

Trao đổi với P.V, anh Trần Vi Tình-Bí thư Huyện Đoàn Đak Pơ-cho biết: Những năm qua, Huyện Đoàn luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp thông qua 21 tổ tiết kiệm vay vốn, huy động vốn vay ngân hàng với tổng dư nợ trên 31 tỷ đồng; đồng thời, thành lập các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế; câu lạc bộ thanh niên chăn nuôi; tổ hợp tác thanh niên đổi công làm rẫy... “Để đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các tổ tiết kiệm vay vốn, hỗ trợ các thanh niên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Cùng với đó, thành lập các câu lạc bộ theo nghề nghiệp để đoàn viên, thanh niên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”-Bí thư Huyện Đoàn Đak Pơ nhấn mạnh.

 

 R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm