(GLO)- Khởi nghiệp ở tuổi 34, anh Lê Đức Nam đã xây dựng được một cửa hàng kinh doanh các sản phẩm độc đáo: muối tép Biển Hồ, muối tre lá é, muối ngũ vị, muối cỏ thơm… Với slogan “Tốt nhất cho người Việt”, thương hiệu muối Nam S sau hơn 1 năm thâm nhập thị trường đã tạo được ấn tượng với thực khách.
Trăn trở tìm hướng đi
Chúng tôi ghé thăm cửa hàng của anh Nam ở số 507 đường Lê Duẩn (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Đây là nơi sơ chế và đóng gói, trưng bày sản phẩm; khách đến đây có thể tham quan quy trình chế biến các sản phẩm muối ngay tại chỗ.
Kể về câu chuyện khởi nghiệp, anh Nam cho biết: Năm 2017, lúc đang làm quản lý một trang trại mắc ca ở xã Ia Pếch (huyện Ia Grai), thấy cây ớt xiêm (thường được gọi là ớt bay, ớt thóc…) rất dễ mọc, quả nhỏ, giòn, có vị cay nồng, vốn là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của mọi nhà, anh liền nảy ra ý định trồng ớt. Lúc đầu, anh ươm giống rồi đem trồng 1 sào. Sau một thời gian, cây ớt phát triển tốt dù không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Vậy là anh quyết định ươm cây giống và giao cho 5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Gào (TP. Pleiku) trồng xen trong vườn nhà trên diện tích 5 sào. Cuối năm 2018, tình cờ anh được bạn bè tặng một lọ muối tre có xuất xứ từ Hàn Quốc-một loại muối khoáng rất có lợi cho sức khỏe, anh chợt nảy ra ý định tạo ra sản phẩm muối tre hương lá é và ớt xiêm.
Anh Lê Đức Nam đang đóng chai sản phẩm muối tre lá é. Ảnh: T.B |
Để có một lọ muối thơm ngon, anh Nam luôn cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu là ớt xanh và lá é tươi. Đây là những nguyên liệu quen thuộc dùng để làm các loại thức chấm của người Jrai bản địa. Riêng muối tre, anh Nam mày mò tìm hiểu trên mạng xã hội thì biết cách làm khá đơn giản dù tốn nhiều thời gian. Anh lựa chọn muối hạt Nha Trang bỏ vào một ống tre (ít nhất 4 năm tuổi) và bịt kín bằng đất sét rồi nung ở nhiệt độ khoảng 200 độ C trong thời gian 5-7 ngày. Khâu này khá quan trọng, đòi hỏi phải canh lửa sao cho đều, nếu nhiệt độ cao quá sẽ làm ống tre bị cháy hoặc nứt vỡ. Ở nhiệt độ trên, hương vị cùng chất khoáng của tre hòa cùng với muối sẽ tạo thành sản phẩm muối tre rất đặc biệt. Tiếp đó, lá é và ớt xiêm được cắt nhỏ rồi trộn cùng với muối tre và một số nguyên liệu phụ khác như: bột ngọt, đường, tiêu gia giảm theo tỷ lệ, sau đó sấy thủ công trong vòng 80 phút. Muối thành phẩm sẽ có màu xanh sẫm, có vị cay của ớt, vị mặn của muối, vị thơm nồng của lá é và tre. Những mẻ muối ớt đầu tiên anh Nam mang tặng khách hàng dùng thử để thu thập ý kiến với mong muốn tạo ra sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng.
Không ngừng tìm tòi, anh Nam cũng thử nghiệm làm muối tép. Tép được anh Nam thu mua từ Biển Hồ, khi người dân mới đánh bắt vào sáng sớm để đảm bảo độ tươi ngon. Tép được rửa sạch rồi trộn với tỏi, ớt xiêm chín đỏ, muối, đường, tiêu và bỏ vào hấp cách thủy trong khoảng 30 phút, sau đó xay nhỏ rồi sấy thủ công trong vòng 80 phút. Lúc mới bắt đầu làm muối tép, sản phẩm làm ra không như mong đợi vì màu muối không đều, vị cũng không đồng nhất. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh đã thành công với muối tép. Sản phẩm có màu đỏ gạch đẹp mắt, vừa có vị ngọt của tép, vị mặn mà của muối tre xen lẫn vị cay nồng của ớt cùng những gia vị khác làm nên một món chấm độc đáo.
Để đa dạng sản phẩm, ngoài 2 loại muối này, anh còn làm thêm muối ngũ vị với thành phần: ớt xiêm, cỏ thơm, lá é, muối tre, đường, bột ngọt, tiêu; muối cỏ thơm Jrai với các thành phần: cỏ thơm, muối, ớt, bột ngọt. “Chân ướt, chân ráo” khởi nghiệp khi chưa có kinh nghiệm gì trong tay, bí quyết của anh Nam là chịu khó tìm tòi, thử nghiệm để làm ra những sản phẩm chất lượng nhất. “Thành phần để làm mỗi loại muối có thể ai cũng biết, nhưng dung hòa được nhiều nguyên liệu để tạo ra sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận là cả một quá trình. Mỗi sản phẩm, tôi đều thử nghiệm không dưới 10 lần. Mỗi lần làm, tôi đều cẩn thận ghi chép lại từ thành phần và tỷ lệ nguyên liệu, nhiệt độ sấy…”-anh Nam cho biết.
Chất lượng tạo nên uy tín
Hiện tại, tất cả công đoạn tạo ra muối thành phẩm thương hiệu Nam S đều được làm thủ công nên khá mất thời gian. Đặc biệt, khâu sấy muối đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung, người đảm nhận khâu này phải thường xuyên đảo muối cho thật nhanh, thật đều, nếu không muối sẽ bị cháy khét. Tuy nhiên, theo anh Nam, vì thủ công nên tất cả các khâu đều được thực hiện rất kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để tạo lòng tin đối với khách hàng về sản phẩm, anh Nam đã đăng ký giấy phép kinh doanh cũng như đảm bảo đầy đủ các giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại muối đều có thể làm gia vị chấm rất đặc trưng, hạn sử dụng của mỗi sản phẩm là 6 tháng.
Ớt xiêm dùng làm nguyên liệu chế biến muối. Ảnh: T.B |
Để tìm kiếm, mở rộng thị trường, anh Nam đã mang sản phẩm đi chào hàng ở nhiều cửa hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, anh cũng tận dụng mạng xã hội để quảng bá, tạo lòng tin cho khách hàng. “Khi mình chú trọng đến chất lượng và sự an toàn, tất yếu sẽ tạo được uy tín và sự đón nhận của khách hàng”-anh Nam tự tin nói đến sản phẩm của mình.
Sau hơn 1 năm gắn bó với nghề chế biến muối, anh Nam đã sở hữu các công thức chế biến riêng cũng như tìm được thị trường khá ổn định. Các sản phẩm muối của Nam S đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh quan tâm đặt mua. Là một khách hàng quen thuộc của thương hiệu muối Nam S, chị Nguyễn Thị Kim Vân (160/4 đường Duy Tân, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho biết: “Có sẵn những lọ muối này trong nhà, khi cần là đem ra sử dụng được ngay. Mùi vị lại thơm ngon, đậm đà với những nguyên liệu sạch nên tôi rất yên tâm khi sử dụng. Đây cũng là món quà tôi thường hay mua để tặng bạn bè và người thân”.
Bên cạnh chú trọng chất lượng, anh Nam cũng chăm chút thành phẩm bằng cách đầu tư bao bì, mẫu mã. Lọ đựng làm bằng thủy tinh để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi tháng anh bán ra thị trường hơn 400 kg muối các loại. Tùy từng loại muối mà giá bán khác nhau: muối tre lá é và muối ngũ vị 200.000 đồng/kg, muối tép Biển Hồ 220.000 đồng/kg, muối cỏ thơm 240.000 đồng/kg… Trung bình mỗi tháng, việc bán muối mang về cho anh Nam nguồn thu nhập khoảng 80 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Đây là nguồn thu lớn đối với người mới bắt đầu khởi nghiệp hơn 1 năm như anh.
Một trong những sản phẩm muối Nam S. Ảnh: T.B |
Với sự đam mê, chịu khó tìm tòi, anh Lê Đức Nam đã thành công với mô hình khởi nghiệp không “đụng hàng”, từ đó tạo thu nhập ổn định cho bản thân và việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Anh Nam tâm sự: “Tất cả các sản phẩm của cửa hàng đều đặt tiêu chí ngon-sạch lên hàng đầu. Chính vì thế, tôi đang mở rộng quy mô trồng ớt xiêm, lá é và giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Gào chăm sóc, vừa giúp bà con có thêm nguồn thu nhập vừa đảm bảo được nguồn nguyên liệu sạch. Đồng thời, tôi dự định lắp camera tại quán để người tiêu dùng có thể theo dõi quy trình chế biến, thêm phần tin tưởng vào sự an toàn, chất lượng của các sản phẩm muối”.
THỦY BÌNH