(GLO)- Cuối năm 2019, hộ kinh doanh Lê Thị Nhạn (thôn Hiệp Phú, xã Cư An, huyện Đak Pơ) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An. Hiện tại, việc làm sữa chua nếp cẩm đem lại cho gia đình chị Nhạn nguồn thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Từ làm cho con ăn đến sản phẩm khởi nghiệp
Kể về câu chuyện khởi nghiệp, chị Nhạn cho biết, 2 cô con gái của chị vốn rất thích ăn sữa chua nếp cẩm. Vì vậy, chị đã lên Youtube học cách làm. Sản phẩm làm ra, chị đem lên cơ quan cho bạn bè, đồng nghiệp ăn thử. Mọi người sau khi ăn đều khen ngon và đặt chị làm giùm. Cứ thế, người này giới thiệu người kia, số lượng sữa chua nếp cẩm chị Nhạn làm ngày càng tăng lên. Từ đó, chị nảy ra ý tưởng kinh doanh sản phẩm này. Tháng 8-2018, sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An của gia đình chị bắt đầu có mặt trên thị trường.
Là công chức của phường Ngô Mây (thị xã An Khê) nên chị Nhạn chỉ tranh thủ làm sữa chua nếp cẩm vào buổi tối. Chị cho hay, công việc thường bắt đầu từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày. Đến khoảng 4 giờ sáng, gia đình chị bắt đầu gửi sản phẩm đến các đại lý. “Khi mới bắt đầu làm, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo hương vị sản phẩm. Có ngày, tôi mất 2-3 triệu đồng vì ủ sữa chua không đạt chất lượng. Vì vậy, tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần, dần dần mới có công thức riêng của bản thân”-chị Nhạn kể.
Chị Lê Thị Nhạn với sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An. Ảnh: L.A |
Chị Trần Thị Thúy-chủ một tiệm sinh tố ở phường Tây Sơn (thị xã An Khê) là khách hàng thường xuyên của chị Nhạn. Chị Thúy cho hay: Sau thời gian đặt dùng thử, tôi thấy sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An ăn ngon, vị ngọt tự nhiên, được khách hàng rất thích. Bởi vậy, từ chỗ chỉ đặt khoảng 500 hũ sữa chua nếp cẩm của chị Nhạn mỗi tháng, giờ tôi đã tăng lên 1.500 hũ/tháng.
Chất lượng tạo nên uy tín
Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ: Năm 2019, ngoài rượu ghè Tuyết, chổi đót Đức Phúc, bánh trung thu truyền thống Gia Hân... thì sữa chua nếp cẩm Thiên An đã được huyện Đak Pơ công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương. |
Hiện tại, tất cả các công đoạn chế biến sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An đều được làm thủ công nên khá mất thời gian. Chị Nhạn cho biết, để làm ra một hộp sữa chua nếp cẩm phải trải qua 5 công đoạn gồm: ủ sữa chua, nấu nếp cẩm, đưa nguyên liệu vào hũ, bắn màng bảo vệ hũ và dán logo. Trong đó, khâu nấu nếp cẩm mất nhiều thời gian và công sức nhất. Làm sao cho nếp cẩm phải mềm, vị nếp đủ ngọt và đủ độ béo, để vào tủ lạnh không bị lại nếp là điều rất khó khăn. Sữa chua cũng phải ủ sao cho vị ngọt, chua vừa phải, lúc trộn chung với nếp ra vị ngọt thanh, thơm béo. Do đó, công đoạn ủ sữa chua và nấu nếp được gia đình thực hiện rất tỉ mỉ và là khâu tạo ra hương vị đặc trưng của sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An.
Để tạo lòng tin đối với khách hàng về sản phẩm, chị Nhạn đã đăng ký giấy phép kinh doanh cũng như đảm bảo đầy đủ các giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, mã truy xuất nguồn gốc. Không những vậy, ngay từ tháng 11-2018, chị đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sữa chua nếp cẩm của gia đình. Sau 1 năm chờ đợi, tháng 12-2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An.
Ngoài ra, để tìm kiếm, mở rộng thị trường, chị Nhạn đã mang sản phẩm đi giới thiệu ở nhiều cửa hàng, quán ăn trên địa bàn huyện Đak Pơ và nhiều địa phương trong tỉnh. Đồng thời, chị cũng tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm với khách hàng. Sau hơn 1 năm khởi nghiệp với sữa chua nếp cẩm, chị đã sở hữu các công thức chế biến riêng cũng như tìm được thị trường tiêu thụ khá ổn định. Sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh quan tâm đặt mua. “Tôi cho khách hàng dùng thử miễn phí sản phẩm để họ đánh giá. Vì chất lượng đảm bảo nên sau khi dùng thử, đa phần khách đều đặt mua. Hiện tại, sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An đã có mặt tại các tỉnh Đak Lak, Lâm Đồng, Bình Định, Kon Tum và TP. Hồ Chí Minh. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm”-chị Nhạn cho hay.
Hiện tại, sản phẩm sữa chua nếp cẩm Thiên An bán ra thị trường có giá 8.000 đồng/hũ nhỏ, 12.000 đồng/hũ lớn. Trung bình mỗi tháng, gia đình chị Nhạn cung cấp ra thị trường 8.000-10.000 hũ sữa chua nếp cẩm, cao điểm có thể lên đến 15.000-16.000 hũ. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lời khoảng 20 triệu đồng/tháng từ việc làm sữa chua nếp cẩm. Đây là nguồn thu lớn đối với người mới bắt đầu khởi nghiệp hơn 1 năm như chị.
LAN ANH