Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp với nghề làm rượu cần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hưởng ứng phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chị H’Blây Niê, Bí thư Đoàn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắc quyết định khởi nghiệp với nghề làm rượu cần truyền thống của người Êđê.



Gia đình chị H’Blây ở buôn Hằng 1A, xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) vốn có truyền thống ủ rượu cần nên ngay từ nhỏ chị đã làm quen với quy trình làm rượu cần. Khi quyết định khởi nghiệp với nghề truyền thống này, H’Blây dành thời gian tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông những thông tin liên quan đến sản phẩm rượu cần, từ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đến cách ủ men… và nhận thấy nhu cầu thị trường đối với sản phẩm này ngày càng tăng cao, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết. Đầu năm 2016, chị bắt tay vào làm rượu cần. Sau 5 mẻ rượu (10 ché) liên tục chưa đạt, đến lần thứ ba thì rượu đã có mùi thơm và độ ngọt đặc trưng, được các già làng trong buôn chấp nhận.
 

 Chị H'Blây Niê giới thiệu về sản phẩm rượu cần của mình.
Chị H'Blây Niê giới thiệu về sản phẩm rượu cần của mình.


Dần dần thương hiệu “Rượu cần Y Kô Nan Niê” của chị được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của chị H’Blây sản xuất khoảng 30 - 50 ché rượu, riêng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, khách đặt 400 ché rượu với giá từ 200.000 - 350.000 đồng/ché. Hiện bình quân mỗi tháng chị có thu nhập ổn định trên 7 triệu đồng từ rượu cần sau khi đã trừ chi phí.

Theo chị H’Blây, làm rượu cần không khó nhưng muốn làm rượu cần ngon thì phải có bí quyết riêng. Với chị, bí quyết làm nên hương vị đặc trưng nằm ở loại men và cách phối men. Theo kinh nghiệm gia đình, chị sử dụng cây hem (loại cây rừng có vị ngọt), cây riềng rừng (có vị cay, thơm nồng) và gạo giã nhuyễn trộn lẫn vào nhau tạo thành những cục men rồi đem phơi khô. Sau khi có men thì nấu cơm để nguội rồi rải đều men lên và cho vào ché, lấy lá chuối hơ lửa bịt kín miệng rồi để nơi thoáng mát. Thời gian để ủ phải kéo dài 2 tháng mới có thể chiết xuất ra rượu để dùng. Rượu cần để càng lâu hương vị càng “thuần” đậm đà và thơm ngon hơn.


 

 Chị H'Blây thực hiện một công đoạn trong quy trình ủ rượu cần.
Chị H'Blây thực hiện một công đoạn trong quy trình ủ rượu cần.



Chị H’Blây đang ấp ủ ý định thành lập công ty để đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn, đồng thời tiếp thị sản phẩm tới các cửa hàng trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường. Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng chị đã tìm ra hướng đi phù hợp để khởi nghiệp, qua đó truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số ở địa phương để lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương mình.

Theo Đoàn Dũng (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm