Điểm đến Gia Lai

Khởi sắc vùng ven đô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm đầu tư về mọi mặt cho các xã vùng ven nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, diện mạo các xã ven đô có sự đổi thay rõ rệt.

Hình thành vùng chuyên canh cây trồng

Xã An Phú có trên 2.800 hộ dân, trong đó, khoảng 2.000 hộ sản xuất nông nghiệp. Nhiều nhà vườn trồng rau ở đây có thu nhập ổn định nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đặc biệt, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku khóa XII về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo động lực để xã An Phú đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thị Phương cho biết: Chính quyền xã vận động người dân tích cực tham gia thực hiện nghị quyết này. Đồng thời, xã tăng cường hướng dẫn, trao đổi, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng. Bên cạnh đó, thành phố đã đầu tư hơn 11 tỷ đồng để hình thành khu sản xuất rau củ quả với diện tích 12 ha. Tại đây có các hạng mục như: kênh mương, hệ thống lưới điện, đường giao thông nội đồng, bãi tập kết nông sản…

Việc hình thành khu chuyên canh rau củ quả đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập.

Sản xuất rau chất lượng cao tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú. Ảnh: N.D

Sản xuất rau chất lượng cao tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú. Ảnh: N.D

Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú trồng hơn 8 ha rau củ quả. Hàng ngày, Công ty cung cấp cho thị trường 3-4 tấn rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và giải quyết việc làm cho 80 lao động địa phương với mức thu nhập 8-12 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Nam Phong-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: “Từ nay đến năm 2026, Công ty dự kiến mở rộng diện tích sản xuất thêm 5-10 ha, đồng thời liên kết với các hộ dân để canh tác rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, Công ty đầu tư khoảng 10 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, lắp đặt kho lạnh, dây chuyền đóng gói sản phẩm và tuyển thêm 50-70 lao động tại địa phương vào làm việc”.

Còn tại xã Trà Đa, việc triển khai mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C đã trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con nông dân. Ông Vũ Xuân Dương-Tổ phó Tổ liên kết sản xuất cà phê 4C xã Trà Đa-cho hay: Tổ hiện có 76 thành viên canh tác trên 100 ha cà phê. Hàng năm, các thành viên và người dân trên địa bàn xã được Công ty cổ phần Tín Thành Đạt và Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Gia Lai hỗ trợ tập huấn quy trình sản xuất cà phê sạch, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường khoảng 100 đồng/kg.

Mỗi năm, Tổ liên kết thu được 300-400 tấn cà phê nhân sạch. Nhờ đó, bà con nông dân đã tiếp cận sản xuất theo hướng bền vững và hướng đến thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị.

Trước đây, xã Ia Kênh có khoảng 300 ha đất trồng lúa. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã chuyển sang trồng mía tím. Hiện xã có khoảng 40 hộ trồng mía tím với tổng diện tích 24 ha. Trung bình 1 sào mía, người dân thu về khoảng 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Là người đầu tiên đưa cây mía tím về trồng tại xã Ia Kênh, ông Kơ Pă Jiâu (làng Nhao 2) cho biết: Nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt nên năng suất lúa rất thấp. Thấy vậy, tôi chuyển đổi 2 sào đất lúa bỏ hoang sang trồng mía tím. Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng mía đã giúp thu nhập hàng năm của gia đình tăng đáng kể.

Thấy tôi trồng mía tím cho thu nhập cao, nhiều hộ trong làng đã làm theo. So với cây lúa, mía cho thu nhập gấp 4-5 lần trên cùng một diện tích. Từ khi trồng mía, bà con đã cải thiện kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ông Kơ Pă Jiâu (bìa trái; làng Nhao 2) hướng dẫn dân làng cách trồng mía tím. Ảnh: N.S

Ông Kơ Pă Jiâu (bìa trái; làng Nhao 2) hướng dẫn dân làng cách trồng mía tím. Ảnh: N.S

Ông Lê Quang Toản-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh-cho hay: Nhờ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím mà đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Thời gian tới, xã sẽ định hướng cho người dân duy trì diện tích mía hiện có. Đặc biệt, xã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng mía ồ ạt để tránh bị ép giá.

“Thấy nghề trồng mía phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, xã đã thành lập Nông hội mía để có những định hướng bền vững hơn đối với loại cây trồng này”-ông Toản chia sẻ.

Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Ông Lê Thanh Hải-Chủ tịch UBND xã Tân Sơn-cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, xã đặc biệt chú trọng đến đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-10-2021 của Thành ủy Pleiku về đầu tư xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” đến năm 2030.

Theo đó, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã vận động người dân hiến đất mở đường, đóng góp kinh phí làm đường giao thông, lắp đèn chiếu sáng, trồng cây xanh… góp phần làm thay đổi bộ mặt của xã ngày càng khang trang, sạch đẹp. Riêng năm 2024, xã đầu tư 6,2 tỷ đồng làm nhà rông làng Tiêng 1, làm mới 5 tuyến đường liên thôn, duy tu sửa chữa 1 tuyến đường.

“Năm 2024, thành phố bố trí 24 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Đào Duy Từ. Tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối với xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh), tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, du lịch với các địa phương khác trong tỉnh”-ông Hải kỳ vọng.

Còn ông Trương Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Chư Á thì cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của người dân.

Cùng với đó, thành phố đầu tư gần 5,6 tỷ đồng làm đường giao thông nội đồng và kéo đường điện phục vụ sản xuất tại cánh đồng Ia Chanh. Đồng thời, xã cũng định hướng quy hoạch khu vực dọc hai bên tuyến đường Bùi Viện để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch canh nông, du lịch cộng đồng tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo.

Đường Nguyễn Chí Thanh sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối hành lang kinh tế Đông Nam của TP. Pleiku. Ảnh: N.S

Đường Nguyễn Chí Thanh sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối hành lang kinh tế Đông Nam của TP. Pleiku. Ảnh: N.S

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các xã vùng ven phát triển đồng bộ, những năm qua, TP. Pleiku đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, chỉnh trang kết cấu hạ tầng đô thị. Giai đoạn 2023-2026, thành phố đầu tư nâng cấp, mở rộng 14 tuyến đường tại các xã vùng ven với tổng chiều dài trên 38 km, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, thành phố còn triển khai nhựa hóa, bê tông hóa 90,45 km đường giao thông, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; tỷ lệ đường thôn, làng và đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100% với chiều dài 208,58 km.

Bên cạnh đó, theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, định hướng ngoài vùng phát triển đô thị (A); vùng ven thành phố được định hướng thành 4 vùng gồm: Vùng B-vùng phát triển du lịch (xã Tân Sơn, xã Biển Hồ); vùng C-vùng phát triển công nghiệp-logistics (xã Trà Đa); vùng D-vùng phát triển nông nghiệp (xã Biển Hồ, Trà Đa, Chư Á, An Phú, phường Chi Lăng) và vùng E-vùng phát triển lâm nghiệp (xã Gào, Ia Kênh, Diên Phú).

Đường giao thông nội đồng tại khu sản xuất rau củ quả xã An Phú được đổ bê tông giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: N.D

Đường giao thông nội đồng tại khu sản xuất rau củ quả xã An Phú được đổ bê tông giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: N.D

Ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-nhấn mạnh: Nhằm cụ thể hóa Đồ án quy hoạch chung đã được phê duyệt, UBND thành phố triển khai lập và phê duyệt các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tại 8 xã từ năm 2019 và một số quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở quản lý đất đai, quản lý xây dựng.

Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn đảm bảo đồng bộ và kêu gọi dự án đầu tư, nhất là tại các khu vực miệng núi lửa âm theo định hướng là khu du lịch sinh thái kết hợp với lưu trú theo mô hình “sinh thái nông nghiệp trong đô thị”...

“Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu rà soát, đề xuất thực hiện một số dự án đầu tư nhằm phát triển đô thị kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, kêu gọi đầu tư khai thác các miệng núi lửa âm để hình thành các khu phức hợp mang đặc trưng riêng của thành phố như: nhà ở, khu phố thương mại, dịch vụ nghỉ dưỡng, xen lẫn vào đó là các công trình tiện ích đô thị, hạ tầng xã hội.

Bên cạnh đó, hình thành các thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp, nơi ươm trồng dược liệu để người dân và du khách có thể tham quan, chụp ảnh, tổ chức cắm trại dã ngoại”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku thông tin.

Có thể bạn quan tâm