Xã hội

Khơi thông "điểm nghẽn" về thị trường lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nâng tầm kỹ năng lao động sẽ làm gia tăng chất lượng, hiệu quả lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế cũng như sự tác động của cuộc cách mạng 4.0.
 


Chất lượng đào tạo nghề thuộc nhóm cuối của ASEAN

Báo cáo về tình hình thị trường lao động tại hội nghị: “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập.

Lắp ráp linh kiện điện thoại tại KCN Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN


Bên cạnh hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và toàn diện, hệ thống an sinh xã hội được xây dựng và vận hành hiệu quả với vai trò giá đỡ cho thị trường lao động. Tính đến tháng 7-2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 17,15 triệu người, chiếm 34,65% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,94 triệu người, chiếm 28,17% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhìn chung, các chính sách đã được ban hành kịp thời, đồng bộ tạo hành lang pháp lý để tổ chức, vận hành và phát triển thị trường lao động góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II-2022 mới chỉ đạt 26,2%). Giai đoạn 2015-2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ Trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, 22,5% bậc thợ 4-7 (có tay nghề cao). Chất lượng lao lao động Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, tỷ lệ lao động động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,96%), tiếp đến là vùng vùng Đông Nam Bộ (28,34%); thấp nhất là 2 vùng Tây Nguyên (16,51%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,61%). Đồng thời, trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN21.

Hướng đến tăng năng suất và chất lượng lao động

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, hiện cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 429 trường cao đẳng, trung cấp (371 trường công lập, 58 trường ngoài công lập) được lựa chọn để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm tại 144 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ (trong đó 68 ngành, nghề cấp độ quốc tế, 101 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN, 144 ngành, nghề cấp độ quốc gia); sắp xếp 247 trường cao đẳng, trung cấp, hình thành hệ thống trường cao đẳng chất lượng cao tại 4 vùng kinh tế trọng điểm, được lựa chọn để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm (chiếm 57%) có khả năng cung ứng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Quy mô đào tạo những năm qua tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của cả nước đến quý II-2022 đạt 26,2%. Ngành, nghề đào tạo được mở dần, từng bước phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động ở từng địa phương, từng lĩnh vực. Chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Khoảng 80% người tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Ở một số nghề (hàn, cơ-điện tử, viễn thông, logistic, du lịch, dầu khí…), kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới-WEF (2019), chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc trong trụ cột kỹ năng. Trong các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới, đoàn Việt Nam đã đạt thứ hạng cao, chất lượng đào tạo nghề bước đầu được khẳng định ở tầm khu vực và thế giới.

Hiện nay dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới. Nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trọng sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.

Do đó, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng, chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia. Để làm được điều này, Bộ LĐTBXH đã đề ra các giải pháp trong thời gian tới là: rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm; tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế-xã hội...

Bộ LĐTBXH cũng đang khẩn trương triển khai các điều kiện đảm bảo hiệu quả việc phân luồng, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân; rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền và liên kết vùng miền hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh mô hình đào tạo chất lượng cao; tiếp nhận, chuyển giao, nghiên cứu nhân rộng hiệu quả các bộ chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế; xây dựng các chuẩn đào tạo để thống nhất sử dụng trong đào tạo, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho công nhân lao động; xây dựng chính sách tuyển dụng, trả lương, tiền công theo kỹ năng, năng lực hành nghề của người lao động; đẩy mạnh công tác thống kê, dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, đặc biệt các ngành nghề khoa học-kỹ thuật-công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai...

Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Về phía đơn vị sử dụng lao động cũng cần chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho người lao động, để có lực lượng lao động vững kỹ năng nghề...

Có thể nói, thực hiện quyết liệt các giải pháp căn bản hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo phục vụ một số ngành mũi nhọn, có hàm lượng tri thức cao, ứng dụng khoa học công nghệ..., các hạn chế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ từng bước cải thiện, phát triển, nâng cao, góp phần sớm thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

 


HUỲNH LÊ (tổng hợp)
 

 

Có thể bạn quan tâm