Thời sự - Bình luận

Khơi thông nguồn vốn tín dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2024, đến ngày 30-9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 9%.

Riêng tại TP HCM, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM thông tin tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,83% so với cuối năm ngoái.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh vốn ra thị trường, bao gồm việc thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp (DN). Chương trình kết nối ngân hàng - DN nhiều năm qua là điểm sáng, được triển khai đầu tiên ở TP HCM rồi nhân rộng ra cả nước. Đây là một trong những giải pháp tạo điều kiện hỗ trợ vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho DN, góp phần giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng ưu đãi…

Trong 9 tháng đầu năm 2024, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP HCM còn thấp nhưng riêng chương trình kết nối ngân hàng - DN tiếp tục duy trì hiệu quả khi đã giải ngân 83,4% gói tín dụng ưu đãi, với hơn 425.600 tỉ đồng cho 146.906 khách hàng. Qua đó, trực tiếp hỗ trợ DN về vốn và lãi suất để tăng trưởng và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Bản thân các ngân hàng thương mại cũng cần đẩy mạnh cho vay để lấy lãi - vốn là nguồn thu nhập chính. Trong khi đó, rất nhiều DN nhỏ và vừa hoặc thuộc đối tượng ưu tiên lại cần được hỗ trợ để kết nối, tiếp sức về vốn. Khi kết nối, bên cho vay và bên vay sẽ cùng ngồi lại, tháo gỡ những vướng mắc, điều kiện chưa đáp ứng được với sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Chương trình kết nối sẽ khơi thông nguồn vốn tín dụng đang ách tắc vì nhiều lý do, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vốn và tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP HCM thời gian qua chưa như kỳ vọng.

Chương trình kết nối ngân hàng - DN cũng mới là tiền đề, mấu chốt vẫn là chuyện giải ngân vốn thực chất để dòng vốn tới đúng chỗ cần và sử dụng hiệu quả. Muốn vậy, DN phải vay vốn đúng mục đích hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư máy móc, thiết bị…; phải có phương án khả thi tạo ra dòng tiền để có khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Chuyện DN có 2-3 sổ sách kế toán - 1 sổ nội bộ, 1 sổ "số đẹp" để vay vốn - cũng cần phải xem lại, nếu muốn đi đường dài, bền vững.

Bức tranh tăng trưởng tín dụng đang có sự phân hóa giữa các ngân hàng - có nơi tăng trưởng cao nhưng có nơi rất thấp vì lo chất lượng tín dụng, ngại nợ xấu tăng nên chưa mạnh dạn đẩy vốn. Bài toán của từng DN với ngân hàng cần được giải riêng sao cho phù hợp, không thể đẩy mạnh cho vay rồi không kiểm soát được nợ xấu.

Quan trọng hơn, hiện nay, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt và khá tốt với lãi suất duy trì ở mức thấp, thanh khoản dồi dào cùng hạn mức tăng trưởng tín dụng tới 15% cho cả năm. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN cùng những giải pháp khác của ngành ngân hàng, vẫn cần chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Muốn thúc đẩy nhu cầu vay vốn của DN, kéo tăng trưởng tín dụng lên cao, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng... Khi người dân tăng cường mua sắm hàng hóa sẽ kích thích DN sản xuất nhiều sản phẩm, từ đó nhu cầu vay vốn tín dụng cũng tăng theo.

TS CHÂU ĐÌNH LINH - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm