Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Khói un lúa lép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thời xưa, nông dân quê tôi làm mỗi năm ba vụ lúa. Riêng vụ ba rơi vào những tháng mưa lũ, xem như “đánh bạc với trời”. Làm ba vụ, đầu tắt mặt tối vẫn thiếu đói triền miên. Làng quê xơ xác mỗi khi mùa lũ về.

Hết thời hợp tác, ruộng về với người cày cuốc. Nông dân chỉ làm hai vụ lúa. Giữa tháng 7 đến đầu tháng 8 âm lịch ở quê tôi là thời điểm lúa hè thu bắt đầu chín. Sau đông xuân, hè thu là vụ thứ hai kết thúc một năm gieo cấy với rất nhiều hy vọng của người gieo hạt.
 
Mùa lúa chín là mùa đẹp nhất ở làng quê. Náo nức chờ lúa về, lòng người như nắng sớm. Trên cánh đồng làng mới đầu lác đác một vài chân ruộng lốm đốm vàng, chẳng bao lâu sau là một bức tranh vàng rực. Không gian càng thêm rực rỡ. Trong ánh chiều tà, đàn chim trời đủ loại, đông nhất là chim sẻ chẳng biết từ đâu lũ lượt kéo về.
 
Từ lúc tinh mơ, khi cây cỏ còn ngậm sương, bà con đã tranh thủ ra đồng. Không gian chưa tỏ mặt người nhưng đồng trên xóm dưới đã nghe rõ tiếng rè rè của máy gặt đập liên hợp. Thời buổi hiện đại, người có tiền mua máy đi gặt thuê. Đồng quê thì vẫn vậy, vẫn cái không khí rạo rực chờ lúa về nhưng cách người nông dân thu hoạch bây giờ đã khác.

 

 Mùa rơm. Ảnh: Đoàn Vương Quốc
Mùa rơm. Ảnh: Đoàn Vương Quốc


Ngày xưa người ta dùng bồ, rồi đến máy suốt đạp chân để thu hoạch lúa. Khi gặt xong cho lúa vào bao mang về đổ ra nong, ra sân đất nện, xi măng để phơi. Trời nắng to chỉ một ngày, còn thì hai ngày lúa sẽ khô giòn. Đợi lúc gió nồm thổi mạnh, các chị các cô tranh thủ giê lúa để loại lúa lép, đem lúa chắc cất vào bồ.
 
Giữa mùa gặt, khi những tia nắng cuối cùng tắt trên ngọn cây cao, hoàng hôn chập choạng, bóng tối lần vào từng con ngõ là lúc người ta đem un những đống lúa lép. Trong không gian miền quê thoáng đãng, mùi khói un xông vào mũi hăng hắc lẫn với mùi bùn đất ngây ngây vừa quen, vừa lạ.
 
Mùa gặt quê tôi có khói đốt đồng, khói un chuột, khói un lúa lép. Gặt lúa xong nhà không nuôi bò thì đốt rơm tại ruộng để lấy tro. Khói đốt đồng theo gió bùng lên như những đám mây đen xám bay lang thang trước khi về trời. Khói un chuột ngoài đồng của đám trẻ con nghịch ngợm không bay lên mà chui xuống hang hốc rồi tan biến trong lòng đất. Chỉ có khói un lúa lép là còn lại, ban đầu chỉ là những sợi khói mỏng manh rồi thành làn khói bay là là dưới thấp như vương vấn, quấn quýt chân người. Lúa lép không bao giờ cháy bùng thành ngọn mà âm ỉ cháy, lặng thầm cháy thật kín thật nhẹ, không lồ lộ, khua khoắng. Nếu quan sát kỹ thì đó là kiểu cháy lem lém, cháy ngấm ngầm bởi chẳng thấy than hồng và ngọn lửa. Khi bóng tối khép lại, phủ trùm lên những mái nhà, không gian miền quê đi vào tĩnh mịch cũng là lúc khói un lúa lép lặng lẽ tỏa vào đêm và trở thành một phần không thể thiếu của làng quê mùa gặt.
 
Người nông dân quê tôi vãi hạt thóc giống xuống ruộng cũng là lúc họ bắt đầu gieo một niềm hy vọng. Hy vọng sẽ có mưa thuận gió hòa. Hy vọng mùa màng ít sâu bệnh, lúa sẽ bội thu. Hy vọng không chỉ mùa này mà cho cả mùa sau, những mùa sau nữa.
 
Không chỉ bây giờ mà vòi vọi từ hàng ngàn năm trước, thuở tổ tiên ta biết làm lúa nước ở đồng bằng sông Hồng, niềm hy vọng ấy đã nuôi sống biết bao kiếp người. Niềm hy vọng được giấu kín, băng qua bão dông, lũ lụt, chiến tranh, chẳng bao giờ tắt. Niềm hy vọng không cao xa nhưng nếu thiếu người nông dân chẳng còn biết bám víu vào đâu nữa.
 
Mấy tháng trời vất vả, lấm láp ngoài ruộng đồng, ai cũng mong tới ngày gặt hái. Vui nhất là thấy đống lúa lép nhà mình ít hơn mọi năm. Càng vui hơn khi cả xóm, cả làng được mùa. Buồn nhất là khi giê lúa, cơn gió nồm mạnh thổi qua bay đi nhiều lúa lép, lúa chắc còn lại không nhiều. Thôi thì đợi đến mùa sau.
 
Có đi với người dân quê đến hết cuộc đời mới thấu hiểu được niềm vui, nỗi buồn của họ trong mỗi mùa gặt. Nhà nào được mùa, dẫu không nhiều ruộng, họ cũng tự xem như mình đã “trúng số”. Thôi thì kiếm chút gì ngon mời chị em giúp gieo sạ, làm cỏ, bón phân. Một tràng bánh đúc, bánh bèo hay một bữa bánh xèo thật rôm rả. Không chè chén thả cửa như ngư dân trúng mùa biển, bữa tiệc của người nông dân nhẹ nhàng, không chút ồn ả bởi năm nào bão lũ cũng rập rình ngoài ngõ luôn nhắc nhở họ.
 
Nhớ một thuở cơ cực, nông dân làm ruộng không được trả bằng thóc mà tính bằng điểm. Gạo không đủ ăn, thiếu củi, nhiều người đi gom lúa lép về nấu cháo heo, ủ lấy tro bón ruộng. Thời ấy nhà tôi cũng thế. Có năm mùa màng thất bát, mẹ tôi đi gặt lúa thuê, mót lúa vẫn không đủ gạo cho đàn con đang tuổi lớn. Phận người như hạt lúa lép ngoài đồng.
 
Miền quê đã thay đổi, không còn cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt. Thế nhưng mỗi khi vô tình bắt gặp mùi khói un lúa lép thoảng trong gió, tôi lại nghĩ về nỗi cơ cực của người nông dân và mong sao mùa này ruộng đồng không có nhiều lúa lép.
    


http://baoquangngai.vn/channel/2028/202110/khoi-un-lua-lep-3082250/

Theo THANH TÁNH (Báo Quảng Ngãi)

Có thể bạn quan tâm