Thể thao

Thể thao cộng đồng

Không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, trang-thiết bị y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dứt khoát không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang-thiết bị y tế do vướng mắc về thủ tục, quy định và do thiếu trách nhiệm.
Đây là nội dung tại Thông báo 288/TB-VPCP về kết luận của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 tại Phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương.
Trong 8 tháng qua, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế. 
Cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước Nhân dân.
Cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước Nhân dân.
Trong thành tựu chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, thể hiện rõ vai trò trách nhiệm đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở
Trong nước, dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát; tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, khó lường do: Virus biến đổi, xuất hiện các biến thể mới; Hiệu lực bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian; Các dịch bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa có xu hướng gia tăng dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch; Có tâm lý lơ là, chủ quan ở một bộ phận người dân và chính quyền một số địa phương; Tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.
Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt các quan điểm: Đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; vắc xin là biện pháp chiến lược, quan trọng trong phòng, chống dịch; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội, an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
5 địa phương đạt tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao nhất
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề ra, hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo Quốc gia biểu dương các địa phương: Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Ninh (đạt tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao nhất); Tiền Giang, Quảng Bình, Điện Biên, Bắc Kạn (đạt tỷ lệ tiêm mũi 4 cao nhất); Bắc Giang, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Kon Tum, Lâm Đồng (đạt tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cao nhất); Sóc Trăng, Bắc Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Cần Thơ (đạt tỷ lệ tiêm mũi 2 cho cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao nhất).
Ảnh minh họa, nguồn internet
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Như Nguyện
Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, xem xét trách nhiệm các cấp, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vắc xin để khẩn trương có biện pháp khắc phục.
Bộ Y tế tiếp tục bảo đảm cung ứng phân bổ đầy đủ, kịp thời vắc xin phòng Covid-19 theo nhu cầu của địa phương, không để thiếu vắc xin; rà soát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có tỷ lệ tiêm thấp đẩy nhanh việc tiêm vắc xin; cùng với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn hóa số liệu tiêm chủng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang-thiết bị y tế
Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ; sớm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám-chữa bệnh của Nhân dân, đặc biệt là cho phòng-chống dịch Covid-19, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh. Dứt khoát không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do vướng mắc về thủ tục, quy định và do thiếu trách nhiệm.
Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương đánh giá việc đấu thầu tập trung, khẩn trương đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, sửa đổi các Thông tư có liên quan để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm; đồng thời thực hiện nghiêm công tác phòng-chống tiêu cực, tham nhũng trong việc mua sắm.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về mua sắm, đấu thầu, các quy định về mua sắm đặc thù của ngành Y tế; khẩn trương tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Không để dịch bệnh bùng phát trở lại, không để dịch chồng dịch
Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh; thường xuyên rà soát, cập nhật, báo cáo về kịch bản phòng-chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17-3-2022 của Chính phủ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng- chống dịch tại các địa phương. Không để dịch bùng phát trở lại, không để dịch chồng dịch; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước Nhân dân.
Đôn đốc, hướng dẫn UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải, manh mún; khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Đẩy mạnh hơn nữa tiêm vắc xin cho trẻ em, học sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vắc xin để hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, học sinh. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát và khẩn trương triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không để sót, lọt người được hưởng trợ cấp.
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch; vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch trong ngành du lịch, vừa làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Bộ Ngoại giao chủ trì, nghiên cứu mở rộng đối tượng được cấp thị thực, tăng thời hạn được cấp thị thực để thu hút du khách quốc tế.
Tiểu ban An ninh trật tự xã hội tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả lực lượng, phương tiện, biện pháp công tác nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở; kịp thời báo cáo, tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp các chủ trương, giải pháp bảo đảm lợi ích, an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội và thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; không để các thế lực thù địch, phản động, chống đối lợi dụng chống phá.
Tiểu ban Vận động và huy động nguồn lực xã hội tiếp tục phân bổ kinh phí, nguồn lực đã vận động, huy động được cho công tác phòng-chống dịch và hỗ trợ Nhân dân vượt qua khó khăn. Tuyên truyền hoạt động vận động, công khai kết quả vận động, ủng hộ, phân bổ kinh phí, nguồn lực, vật chất cho công tác phòng-chống dịch Covid-19 thông qua cơ quan truyền thông, báo chí của Mặt trận và các tổ chức thành viên.
Tiểu ban Dân vận tiếp tục nắm tình hình Nhân dân và công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục phối hợp vận động hỗ trợ, giúp đỡ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là đối với người khó khăn, người yếu thế, người bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là các cháu mồ côi. 
Tiểu ban Truyền thông dưới sự lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, báo chí truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, hiệu quả, lợi ích của tiêm vắc xin, nhất là người có nguy cơ cao, bệnh lý nền, trẻ em để khuyến khích và hướng dẫn người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và cộng đồng; phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền thông điệp "2K (Khẩu trang, Khử khuẩn)+vaccine+thuốc+điều trị+ công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác" để phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. 
Lệ Hằng
 

Có thể bạn quan tâm