Luật sư đã lên tiếng về vụ việc hàng chục người dân đến hiện trường vụ bắt sòng bạc "khủng" ở thôn 76 (xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) để nhặt tiền, vàng của con bạc đánh rơi.
Về vụ bắt sòng bạc "khủng" ở Gia Lai, Luật sư Tạ Quang Tòng – Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư Đắk Lắk cho rằng, tiền, vàng rơi là vật chứng vụ án, nếu dân nhặt được thì phải giao nộp cơ quan chức năng. Trường hợp không giao nộp mà cơ quan chức năng xác định ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ án, người nhặt sẽ bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm.
Luật sư Tòng phân tích, về nguyên tắc, cơ quan chức năng khi tiến hành bắt tại chỗ phải thu giữ triệt để, không để rơi rớt, không để sót vật chứng. Nếu người dân đến đó mót, lượm được mà tự nguyện khai báo là tốt. Pháp luật không cho phép người dân đến khu vực hiện trường để mót, nhặt tiền bạc, tài sản và các thứ liên quan khác.
Luật sư Tòng cho rằng, nếu người dân nhặt được tiền hoặc vàng, trước tiên phải xác định được cái đó thuộc đối tượng nào. Trong vụ bắt sòng bạc "khủng" này, tiền vàng công cụ, phương tiện để thực hiện phạm tội.
Hàng chục người dân đến hiện trường nhặt, mót tiền và tài sản sau khi lực lượng công an làm xong công tác hiện trường sòng bạc "khủng" ở Gia Lai.
Về vấn đề "trong trường hợp cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, tịch thu tang vật tại hiện trường để còn sót hoặc không thu giữ triệt để thì có bị truy cứu trách nhiệm hay không", luật sư Tòng cho hay, theo nguyên tắc, phải tịch thu triệt để.
Trường hợp không tịch thu hết, có thể do nhiều lý do như hiện trường đêm tối, vùng địa hình hiểm trở hoặc những người chơi bạc cố giấu tài sản nhằm giảm tội. Luật sư Tòng nhận định, trong vụ bắt sòng bạc "khủng" này, rất khó để chứng minh số tài sản của người tham gia đánh bạc cụ thể là bao nhiêu. Trong luật điều tra cũng không có quy định phải tịch thu hết toàn bộ tài sản đánh bạc vì "biết bao nhiêu mà thu toàn bộ".
Cũng theo vị luật sư, hiện tại, điều dư luận quan tâm là tại sao vụ đánh bạc quy mô lớn như vậy diễn ra trong một thời gian dài trên địa bàn, người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng không được triệt phá. Cần phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, công an địa phương ở đâu, trách nhiệm của công an huyện, chính quyền huyện ở đâu và cao hơn là trách nhiệm của công an tỉnh.
Hiện trường sòng bạc "khủng" ở Gia Lai.
Được biết, vị trí hiện trường bắt sòng bạc "khủng" là tại vườn điều của ông Trần Đình Tùng (thôn 76, xã Hà Bầu), chỉ cách tỉnh lộ 670B chừng 2km. Đây cũng là con đường độc đạo lên đài quan sát không lưu. Tuy nhiên, việc đánh bạc quy mô lớn với hơn 130 người, 63 xe ô tô đi rầm rập trong một con hẻm nhỏ nhưng chính quyền, công an địa phương và đài quan sát không lưu không hề hay biết là khó chấp nhận được. Thực tế, vị trí sòng bạc "khủng" này chỉ cách đài quan sát không lưu chưa tới 500m. Ông Bên – Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu xác nhận, vụ đánh bạc diễn ra chính quyền địa phương không hay biết và không nghe đài quan sát không lưu thông báo sự việc.
Về vấn đề này, luật sư Tòng cho rằng: "Đài quan sát không lưu không có chức trách đi bắt đánh bạc nhưng họ không thể vô cảm, nếu phát hiện các hành vi phạm tội, phải báo cáo cho cơ quan chức năng, báo cho chính quyền biết. Vị trí đánh bạc cách khu dân cư không xa, tập trung đông người, đông xe cộ như vậy mà chính quyền địa phương và công an, vì sao không biết, đây là việc hết sức nguy hiểm".
Xe ô tô đi đánh bạc tấp nập, rầm rập trong rẫy nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng không hề biết sự việc xảy ra.
Lê Kiến (Dân Việt)