Nhiều người đã chia sẻ các bài viết liên quan đến sự việc này tới bạn bè, người thân như một cách nhắc nhở cần cẩn trọng khi dùng thuốc điều trị tại nhà để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của cả gia đình, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Trước đó, sau bữa ăn sáng, thấy bé cứ 30 phút lại bị tiêu chảy 1 lần, lo lắng trẻ bị mất nước, người nhà của bé đã bổ sung oresol. Sau khi uống, thấy trẻ có biểu hiện co giật, người nhà đã đưa bé vào Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện, người nhà pha oresol không đúng tỷ lệ. Theo khuyến cáo, 1 gói oresol pha với 200 ml nước nhưng người nhà chỉ pha với 50 ml nước dẫn đến trẻ bị sốc, co giật; dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng bé vẫn không qua khỏi. Sự việc đau lòng trên là lời cảnh tỉnh cho việc tự ý dùng thuốc chữa bệnh tại nhà.
2. Tại Gia Lai, tình trạng người dân không đến cơ sở y tế để khám, mua thuốc theo đơn của bác sĩ mà tự mua thuốc tại các cửa hàng thuốc Tây khi có triệu chứng bệnh cũng vẫn diễn ra. Đơn cử như trường hợp chị N.T.T. (trú tại tổ 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku). Cách đây hơn 3 năm, con trai chị T. chập chững tập đi thì không may bị ngã đập đầu phía sau. Theo dõi thấy con có biểu hiện lờ đờ, chán ăn, chị đưa con đến khám tại phòng khám tư trên địa bàn thành phố. Được bác sĩ khuyên nên cho con đến bệnh viện để chụp X-quang kiểm tra tình trạng não bộ của con nhưng cho rằng chưa có gì nguy hiểm nên chị T. xin bác sĩ kê đơn thuốc rồi về nhà cho con uống. Ngay sau khi uống liều thuốc đầu tiên, con trai chị đã có biểu hiện co giật, tím tái và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Hay như trường hợp chị H-hàng xóm của tôi. Đến giờ, chị cũng vẫn chưa hết hối hận vì tự ý dùng thuốc trị táo bón cho con suốt 3 năm. Chẳng là, qua theo dõi, thấy con trai có triệu chứng táo bón từ khi ăn dặm nhưng vì cho rằng đó là bệnh thông thường nên chị H. tự mua các loại men vi sinh có lợi và các loại thuốc làm mềm phân cho con uống. Những khi thấy con quá khó đại tiện, chị lại ra tiệm mua thêm thuốc bơm hậu môn. Cho đến khi con được hơn 3 tuổi, thấy việc tự đi vệ sinh của con ngày càng khó khăn và hầu như ngày nào cũng phải phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc bơm hậu môn thì chị mới cho con đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bác sĩ chẩn đoán con chị bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh. Dù đã trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng tình trạng bệnh vẫn chưa được cải thiện.
Chị H. chia sẻ, theo các bác sĩ, việc chị chậm trễ đưa con đi phẫu thuật là một phần nguyên nhân gây ảnh hưởng tới kết quả điều trị sau này của con. “Giá như tôi khám bệnh và điều trị cho con sớm hơn thì kết quả đã tốt hơn. Hơn nữa, con trai tôi cũng không phải chịu thiệt thòi khi đã đến tuổi lên lớp 1 nhưng buộc phải lùi lại 1 năm để điều trị dứt điểm căn bệnh”-chị H. ngậm ngùi nói.
3. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người bệnh không được tự ý dùng các loại thuốc mà phải theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc thường dẫn đến những rủi ro như: lựa chọn điều trị sai, nguy cơ lệ thuộc và lạm dụng thuốc, kháng thuốc, chậm phát hiện các căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn, dùng sai cách, sai liều lượng dẫn đến phản tác dụng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng… Do đó, người dân cần nhận thức về những rủi ro của việc tự dùng thuốc; đồng thời, khi sử dụng thuốc cần chú ý các hướng dẫn của người bán thuốc, của bác sĩ hoặc đọc hướng dẫn để sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều lượng nhằm tránh các biến chứng xảy ra cũng như đảm bảo an toàn tính mạng.