Hàng loạt doanh nghiệp lữ hành phải hủy các tour đến Trung Quốc, cũng như hạn chế đón các đoàn có người Trung Quốc từ vùng dịch sang.
Trước tình trạng bùng phát bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona gây ra, ngành du lịch trong nước lao đao vì vừa mất khách du lịch, vừa phải hủy các chuyến đến những nơi có liên quan đến vùng dịch, đặc biệt, hủy các chuyến đến Trung Quốc nói chung và các chuyến có quá cảnh ở Vũ Hán nói riêng – nơi đang là tâm điểm của dịch bệnh.
Hủy các chuyến sang Trung Quốc
Hành khách đeo khẩu trang khi đến sân bay quốc tế Los Angeles, Hoa Kỳ. Ảnh Reuters.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi lạ lan rộng, Trung Quốc đã đình chỉ tất cả tour du lịch khách đoàn trong nước lẫn ngoài nước. Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), kể từ ngày 27/1, tất cả dịch vụ tour du lịch khách đoàn Trung Quốc ra nước ngoài, bao gồm đặt vé khách sạn và máy bay, sẽ bị đình chỉ.
Các tour du lịch khách đoàn trong nước bị đình chỉ kể từ ngày 31/1. Tính đến ngày 25/1, có tổng cộng 1.372 trường hợp nhiễm virus Corona mới (2019-nCoV) gây dịch bệnh viêm phổi lạ và 41 người tử vong.
Không riêng gì ở Trung Quốc, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn với ngành du lịch Việt.
Nhiều hãng lữ hành cho rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, lượng khách Việt đi Trung Quốc khá đông, song trước tình hình dịch bệnh, đa số đều đòi hủy tour, các hãng chưa biết xử lý chế độ hủy ra sao và trước mắt đã thấy thiệt hại nặng nề.
Ở Việt Nam, có doanh nghiệp lữ hành thông báo mất 2.000 du khách mùa Tết Canh Tý 2020 vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Toàn bộ các doanh nghiệp du lịch đều đang trong tình trạng căng thẳng, vừa nâng cao cảnh giác phòng dịch bệnh cho khách hàng, vừa đàm phán với tất cả các bên liên quan để khắc phục, xử lý tình trạng khẩn cấp này.
Mới đây, đại diện Saigontourist công bố đơn vị này hủy toàn bộ tour du lịch đi Trung Quốc trong dịp Tết Canh Tý 2020. Khách hàng mua tour này được chuyển sang các tour khác có giá tương đương mà không phải chịu bất cứ khoản phí nào. Với những người không muốn đi tour, công ty sẽ hoàn trả chi phí sau khi tính toán các chi phí phát sinh với các đối tác.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tích cực cứu chữa cho 2 hành khách Trung Quốc bị nhiễm virus Corona.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp lữ hành khác ở TP.HCM đã thông báo hủy toàn bộ tour đi Trung Quốc. Khách muốn hủy, chuyển tour hay hoàn tiền đều được đáp ứng vì đây là trường hợp bất khả kháng.
Một số tour đi Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc) cũng có khách hủy chuyến vì lo sợ tình trạng lây lan dịch bệnh khó đảm bảo sức khỏe.
Ngay trong ngày 30 Tết, Sở Du lịch TP.HCM đã ra thông báo chính thức hướng dẫn biện pháp xử lý cho các doanh nghiệp Việt trên địa bàn tổ chức tour có khách đến từ vùng dịch, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành quốc tế theo dõi sát tình hình sức khỏe của du khách khi đi tour tại TP.HCM và Việt Nam.
Toàn bộ các khách sạn được Sở Du lịch yêu cầu phải kiểm tra, rà soát dịch vụ ăn uống, thông báo cho những bộ phận trực tiếp phục vụ các đoàn khách áp dụng biện pháp xử lý khi khách có triệu chứng mắc bệnh. Doanh nghiệp lữ hành phải lưu ý cả việc đón khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách Việt đến các điểm đến có dịch hoặc có nguy cơ lan truyền dịch bệnh để bảo đảm an toàn cho khách, tránh lây lan dịch vào Việt Nam.
Thiệt hại khá lớn và kéo dài
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng giám đốc Lửa Việt Tours, dịch bệnh do virus Corona bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã khiến các công ty lữ hành buộc phải hủy hết các tour có liên quan đến vùng dịch. Không chỉ thiệt hại riêng ngành du lịch mà cả ngành kinh tế cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi đó, dịp Tết, ngành y tế phải căng mình chống dịch bệnh và theo dõi các du khách vào Việt Nam từ vùng dịch.
Khách du lịch mang khẩu trang tại các sân bay.
“Chắc chắn, ngành du lịch Việt sẽ rơi vào khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp từ Vũ Hán. Chưa biết mức độ khủng hoảng ra sao, nhưng cũng không thua kém dịch SARS trước đây”, ông Mỹ cảnh báo.
Virus Corona mới (2019-nCoV), thuộc chủng Corona gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), bùng phát từ thành phố Vũ Hán và lan rộng đến ít nhất 30 khu vực và tỉnh thành ở Trung Quốc cùng nhiều nước trên thế giới.
Thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân đã bị phong tỏa kể từ ngày 23/1. Sau đó, lệnh phong tỏa mở rộng đến ít nhất 18 thành phố khác, theo AFP.
Minh Thi (Dân Việt)