Kinh tế

Doanh nghiệp

Không thuộc diện được cấp giấy đi đường, nhiều doanh nghiệp "kêu trời" vì nguy cơ phá sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước việc không thuộc một trong 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường theo quy định mới của TP. Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Doanh nghiệp bên "bờ vực" phá sản

Từ ngày 6/9, Thành phố Hà Nội áp dụng giấy đi đường theo mẫu mới (có mã nhận diện QR). 6 nhóm sẽ được ra đường trong thời gian này, trong đó 3 nhóm do Phòng Cảnh sát giao thông, Công an xã, phường, thị trấn cấp giấy và ủy ban xã, phường. 3 nhóm còn lại theo quy định cũ vẫn do thủ trưởng cơ quan ký.

Phản ánh với Dân Việt, một số đại diện doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất không thuộc 6 nhóm đối tượng nói trên bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ phá sản. Theo chị Yến, giám đốc một doanh nghiệp in tại huyện Hoài Đức cho biết, với quy định mới ngành sản xuất này "không thiết yếu".

Tuy nhiên, doanh nghiệp có sản phẩm sản xuất nhằm phục vụ cho các ngành thiết yếu như y tế, giáo dục cũng như các ngành kinh tế khác. Tính tới đợt giãn cách lần thứ 3 vừa qua, doanh nghiệp của chị Yến có thể hoạt động theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến", "3 tại chỗ".

Với tình hình hiện tại, dù không thể xin cấp giấy đi đường nhưng doanh nghiệp cũng không thể hoạt động theo hình thức "3 tại chỗ" vì đã "đuối lực". Cụ thể, với hình thức này, doanh nghiệp phải "gánh" rất nhiều chi phí. Cùng với đó, doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động với số lượng 1/3 công nhân, năng suất giảm.

 

Doanh nghiệp
Doanh nghiệp "không thiết yếu" có thể bị phá sản nếu tình trạng đứt gãy sản xuất kéo dài vì không được cấp giấy đi đường. (Ảnh: Thanh Phong)


"Hiện tại, chúng tôi càng làm càng lỗ", tuy nhiên, vẫn phải duy trì để giữ khách hàng. Nguyên nhân là do giá chúng tôi đã báo trước khi có dịch không thể thay đổi giá trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nếu thực hiện không đúng tiến độ hợp đồng sẽ bị phạt, dù có đàm phán nhưng đối tác không thể thông cảm cho việc chậm đơn hàng đến mấy kỳ giãn cách xã hội. Ví dụ, vào đợt TP. Hà Nội giãn cách xã hội lần thứ nhất, tôi đã đàm phán với đối tác xin chậm 15 ngày vì không phải sản xuất mặt hàng thiết yếu và được đồng ý.

Bây giờ đã là lần thực hiện giãn cách xã hội lần thứ 4, không có đối tác nào chấp nhận chậm đến thế được. Có những đơn hàng bị phạt tính theo 1% lãi suất ngân hàng 1 tháng/giá trị của đơn hàng chậm giao. Lãi suất như vậy còn cao hơn lãi suất chúng tôi đi vay. Hơn nữa, những chi phí phòng chống dịch doanh nghiệp đang phải chi trả phát sinh lên tới hơn 10%. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, doanh nghiệp sẽ không thể cầm cự nổi", chị Yến bày tỏ.

Đồng cảnh ngộ trên, anh Linh, đại diện một doanh nghiệp làm ứng dụng điện thoại, phần mềm cũng cho biết, đơn vị này không thuộc ngành hàng thiết yếu nên không được cấp giấy đi đường. Theo đó, tình trạng này kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản vì bị phạt, mất hợp đồng, đối tác.

"Những bộ phận kỹ thuật chuyên biệt như sever hoặc có tính bảo mật cao, nhân viên không được truy cập từ xa hoặc bằng thiết bị cá nhân. Hiện tại, những nhóm nhân sự thuộc lĩnh vực này không được cấp giấy đi đường sẽ dẫn tới công việc đình trệ.

Vừa rồi chúng tôi có nhiều đơn hàng gia công phần mềm cho các đối tác nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản... Nếu không giao hàng đúng hẹn sẽ bị phạt hoặc mất các đơn hàng lần sau. Các nền kinh tế thế giới đang dần mở cửa và tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ có lợi thế về việc giá thành rẻ hơn một chút nhưng với việc đơn hàng không hoàn thành đúng hạn sẽ mất uy tín với đối tác", anh Linh chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của anh Linh, từ mùa dịch năm ngoái, doanh nghiệp này vẫn đang "kẹt" công nợ các hợp đồng với đối tác nước ngoài lên tới hàng trăm nghìn USD.

"Về lý thì chúng ta không đúng do không hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn, tuy có yếu tố khách quan là do dịch bệnh nhưng quy định về trường hợp bất khả kháng của các nước có sự khác nhau.

Tại Việt Nam, việc điều tiết xã hội dựa trên tình trạng dịch bệnh khá "mơ hồ", ví dụ như quy định vừa ban hành của TP. Hà Nội khiến doanh nghiệp không biết có thể áp dụng điều khoản về tình trạng khẩn cấp, bất khả kháng trong hợp đồng chưa? Chúng tôi khó có thể thể giải thích việc không hoàn thành hợp đồng đúng hạn vì đây là ngành sản xuất "không thiết yếu" nên không được cấp giấy đi đường", anh Linh nhấn mạnh.

Tỷ lệ "tử vong" của doanh nghiệp cao hơn bệnh nhân Covid-19

Nhận định về tình trạng trên, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách cấp giấy đi đường của Hà Nội đang "dồn" quá nhiều việc cho công an, trong khi chưa tính kỹ đến thực tế của doanh nghiệp và người dân.

"Giám đốc một công ty cấp nước có cả nghìn cán bộ nhân viên cũng than với tôi không biết làm sao để xin kịp giấy đi đường cho nhân viên đi làm. Mỗi phường, xã có hàng nghìn hộ dân có nhu cầu đi chợ, có hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu đi làm, nếu dồn hết cho công an phường hay CSGT thì làm sao cấp kịp", bà Lan nói.

 

Từ ngày mai (8/9), Hà Nội kiểm tra người dân ra vào “vùng đỏ” theo giấy đi đường mới. (Ảnh: Viết Niệm)
Từ ngày mai (8/9), Hà Nội kiểm tra người dân ra vào “vùng đỏ” theo giấy đi đường mới. (Ảnh: Viết Niệm)


Theo bà Lan, Hà Nội là thủ đô, cơ quan nhà nước và các tổ chức rất nhiều, việc trả lại quyền tự cấp giấy đi đường và tự chịu trách nhiệm là cần thiết. Nhưng 3 khối còn lại gồm các doanh nghiệp và người dân vẫn có khối lượng rất lớn, nếu vẫn giao cho công an cấp thì quá nhiều.

Chuyên gia này cũng đề xuất, với khối doanh nghiệp nên giải tỏa bớt, để doanh nghiệp tự cấp giấy và tự chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng chỉ giám sát và hậu kiểm như trước đây.

Mặt khác, theo bà Lan đối tượng được cấp giấy là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công ích, thiết yếu được hoạt động là chưa hợp lý. Hiện tại, quy định thế nào là lĩnh vực thiết yếu vẫn đang tranh cãi, do có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khi đó, Chính phủ đã chủ trương tất cả các mặt hàng đều là thiết yếu, trừ hàng cấm, để duy trì không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Song, với quy định hiện tại của Hà Nội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất loay hoay vì không thấy mình thuộc nhóm nào.

Về góc độ doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhận định, doanh nghiệp cũng giống như một thực thể sống và do đó cũng chịu những tác động của Covid-19 giống như con người.

"Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số nhiễm Covid-19 tương đương 0,3% dân số, tỷ lệ tử vong là 2,2% trên tổng số ca nhiễm. Nhưng với doanh nghiệp, tỷ lệ nhiễm bệnh là 90%, tỷ lệ phá sản/giải thể là gần 10%. Điều này gây ra những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế", ông Bình thông tin.

https://danviet.vn/khong-thuoc-dien-duoc-cap-giay-di-duong-nhieu-doanh-nghiep-keu-troi-vi-nguy-co-pha-san-20210907141420885.htm
 

Theo Thanh Phong (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm