Kinh tế

Doanh nghiệp

Không vì một phân xưởng có F0 mà đóng cửa cả nhà máy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hôm qua (20.9), Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến với một số địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp.

Sản xuất “3 tại chỗ” tại một doanh nghiệp ở Q.8, TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sản xuất “3 tại chỗ” tại một doanh nghiệp ở Q.8, TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch



Thế nào là “tuyệt đối an toàn”?

Trình bày báo cáo tổng hợp khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp (DN), Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết cơ quan này đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn DN VN tiến hành điều tra, khảo sát 500 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cùng với đó, tổng hợp phản ánh của các địa phương, DN cho thấy có các nhóm vấn đề khó khăn là: chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, đội giá thành sản xuất; chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ; thiếu vắc xin; thiếu lao động, nguy cơ mất đơn hàng...

Các DN kiến nghị chính quyền xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng, chống dịch thống nhất, địa phương không tùy tiện, gây khó khăn cho DN khi lưu thông hàng hóa và người lao động khi quay trở lại làm việc. Cần sớm phân bổ và đẩy nhanh việc tiêm đủ liều vắc xin cho toàn bộ người lao động. Xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để phản ứng nhanh hơn khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19...

Minh họa thêm, đại diện Công ty Nidec (Khu công nghệ cao tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay DN có hơn 6.300 lao động nên mong muốn sau khi hoạt động trở lại, bất kỳ trường hợp F0 nào được phát hiện tại dây chuyền sản xuất thì chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, chứ không phải đóng toàn bộ nhà máy.


Tương tự, đại diện Công ty Nike VN băn khoăn xung quanh dự thảo quy định phục hồi sản xuất nhưng phải “bảo đảm tuyệt đối an toàn”. Lãnh đạo Công ty Samsung Thái Nguyên thì kiến nghị cho phép công nhân viên đã tiêm 2 mũi vắc xin được di chuyển đi làm hằng ngày từ nhà (vùng xanh) tới công ty bằng hệ thống xe buýt do công ty bố trí. Ngoài ra, hầu hết DN đều đề xuất cần tạo điều kiện các chuyên gia đủ điều kiện về y tế được nhập cảnh...

Giải đáp các kiến nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia ngày càng nhanh hơn, linh hoạt hơn, như giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày; công nhận tạm thời đối với giấy chứng nhận tiêm vắc xin của trên 60 quốc gia, và các bộ, ngành đang tính toán mở rộng đối tượng người nước ngoài nhập cảnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thì cho hay bộ này đang dự kiến là phải đảm bảo “5 xanh” gồm: nhà máy xanh, công nhân xanh, nơi ở công nhân, đường di chuyển và y tế tại chỗ của DN.

Về cụm từ “tuyệt đối an toàn”, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, tức là không để dịch bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn. “Nếu tổ chức sản xuất trở lại thì phải tầm soát được dịch, như xét nghiệm hằng tuần. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động”, ông Thành bày tỏ.

Khôi phục sản xuất là yêu cầu cấp bách

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song tháo gỡ khó khăn cho DN, ổn định đời sống nhân dân là yêu cầu cấp bách. Chính phủ, địa phương và DN đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện. Nếu không phối hợp tốt thì khó có thể thành công.

Theo Phó thủ tướng, các địa phương cần sớm tiếp xúc với DN để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất; hướng dẫn DN có phương án tái sản xuất. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phân bổ vắc xin về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn phòng chống dịch. Các tỉnh, thành ưu tiên vắc xin cho người lao động sản xuất công nghiệp, đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch. Bộ GTVT được giao phối hợp với Bộ Y tế, địa phương để công nhân có thể đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác. “Bộ GTVT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc”, Phó thủ tướng nói.

Theo Chí Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm