Khu thực nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ được xem là nơi liên kết “4 nhà”: nhà quản lý khoa học-nhà nghiên cứu-doanh nghiệp-người sản xuất. Nơi đây có chức năng thực tế hóa các kết quả được nghiên cứu, xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để phổ biến nhân rộng phù hợp với địa phương.
Khu thực nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ đã đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu triển khai các hoạt động liên kết về nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Khu thực nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ (thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai) đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Mai Ka |
Vừa qua, Khu thực nghiệm đã triển khai sản xuất 1.600 cây dưa lưới, 400 cây cà chua và 200 cây dâu tây trong nhà màng; xây dựng mô hình với 2.300 cây dưa lưới trong nhà màng; trồng rau giống phục vụ dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất và chuỗi liên kết tiêu thụ rau an toàn công nghệ cao ứng dụng công nghệ IoT tại tỉnh Gia Lai”.
Ngoài ra, triển khai hợp tác với Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Đại Phát về gia công ươm giống dứa MD2 nuôi cấy mô trong nhà màng với số lượng 360.000 cây; triển khai thực hiện mô hình trồng cây kim ngân hoa tại Khu thực nghiệm với diện tích 360 m2… Với các mô hình này, Khu thực nghiệm đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Đây không chỉ là nơi để các tổ chức, cá nhân, nhất là bà con nông dân tham quan học tập và ứng dụng vào sản xuất mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng thành điểm đến thu hút khách du lịch; góp phần phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm.
Thời gian tới, ngoài việc đào tạo chuyên môn cho nguồn nhân lực để nắm bắt kịp thời công nghệ mới, Khu thực nghiệm còn đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất như: tuyển chọn, phục tráng, nhân giống các loại cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ sinh học để tạo ra giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, phương pháp giâm hom trong nhân giống một số cây trồng có giá trị như cây dược liệu.