Kinh tế

Doanh nghiệp

Khu vườn tỷ USD dậy sóng, Bầu Đức sẽ lại tiền về như nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) có thể gặt hái những thành quả lớn trong thời gian tới khi mà diễn biến trên thế giới thay đổi với những tính toán đảo chiều của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong vòng khoảng 2 tháng qua, giá cao su thế giới bất ngờ tăng rất mạnh, từ mức 130 yen Nhật/kg (1.200 USD/tấn) lên 188 yen/kg (1.734 USD/tấn), tương đương mức tăng 45% trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy.
Đây là một thông tin tốt lành cho các doanh nghiệp ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vốn đã bỏ ra số tiền cả chục ngàn tỷ đồng để đầu tư trồng cao su với diện tích khoảng 40 ngàn hecta tại vùng đất Attapeu khô cằn ở Nam Lào.
Ông Đoàn Nguyên Đức bắt đầu đầu tư cây cao su ở Attapeu từ năm 2008 với tổng diện tích khoảng 40 ngàn hecta. Sau 5 năm, những vườn cao su đầu tiên đã cho mủ và cho tới nay diện tích khai thác hiện lên tới khoảng 18 ngàn hecta.
Trong vòng 10 năm qua, số vốn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đổ vào cao su là rất lớn, với chi phí đầu tư cho 1ha cao su là 5.000 USD, trong đó riêng công nghệ tưới nhỏ giọt bù áp chiếm 1.000 USD. Bên cạnh đó còn có các khoản đầu tư khồng lồ vào nhà máy, cơ sở hạ tầng xung quanh… 
 
Giá cao su tăng 45% trong vòng 2 tháng qua.
Là một người luôn đi đầu xu thế, Bầu Đức đã gặt hái được rất nhiều thành công trong nhiều lĩnh vực, từ gỗ đá, bất động sản cho tới thủy điện. Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Rủi ro mà ít ai có thể ngờ tới chính là việc giá cao su rớt thảm hại từ mức đỉnh 5.500 USD/tấn rớt về 1.100 USD hồi đầu 2016 và duy trì ở mức thấp trong các năm sau đó.
Sau khi bán mảng bất động sản, Bầu Đức đã chuyển hướng tập trung dồn lực đầu tư cho nông nghiệp với tổng nguồn lực lên tới 70% cho lĩnh vực này. Về triển vọng là tươi sáng bởi chỉ cần giá cao su 2.000-3.000 USD/tấn thì doanh nghiệp của Bầu Đức đã lãi lớn, chưa kể đến sau khi thu hoạch bán gỗ cũng thu về một khoản tiền lớn.
Dự án được đánh giá là khá tốt và bền vững nếu không có cú giá cao su sụt giảm chưa từng có như trên.
Sau 5 năm, tổng số tiền đổ vào Attapeu lên tới cả tỷ USD nhưng dòng tiền về khá chậm chạp. Cổ phiếu Bầu Đức cũng xuống mức thấp kỷ lục và doanh nghiệp của Bầu Đức phải đàm phán để tái cơ cấu nợ với khoảng 10 ngân hàng.
Năm 2018, cú bắt tay với Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đã giúp doanh nghiệp của Bầu Đức có tiền để tiếp tục đầu tư xây dựng đế chế nông nghiệp hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Thaco sẽ có 35% vốn trong HAGL Agrico của Bầu Đức.
Trên thực tế, dự án đầu tư vườn cao su khổng lồ của Bầu Đức là một kế hoạch rất tốt. Định hướng của HAGL là không sai nhưng Bầu Đức đen đủi khi gặp giá sụt giảm và mất cân đối về dòng tiền cho dù tài sản còn rất lớn.
Việc giá cao su tăng mạnh trong 2 tháng qua hứa hẹn HAGL Agrico và HAGL của Bầu Đức sẽ có những khoản thu lớn và lợi nhuận cao ngay trong năm 2019.
Giá cao su hồi phục mạnh gần đây được cho là lượng dư cung cao su giảm xuống do thời tiết không thuận và các nước có chủ trương tiết giảm diện tích và nhu cầu đối với mặt hàng vàng trắng này có dấu hiệu tăng trở lại. 
 
Bầu Đức và ông Trần Bá Dương tham vọng xây đế chế nông nghiệp Việt.
Một nguyên nhân quan trọng khác chính là nỗi lo về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung giảm xuống sau khi chính quyền tổng thống Donald Trump đã cuộc họp 3 ngày tại Bắc Kinh với nhiều tín hiệu tốt được phát ra.
Trong một tuyên bố gần đây, Bộ trưởng thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ giải quyết chiến tranh thương mại với Mỹ trong năm 2019. Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa 2 bên sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết đình chiến 3 tháng được khẳng định là “nền tảng” nhằm giải quyết những quan ngại chung về thương mại.
Một thỏa thuận tốt đẹp về thương mại giữa Mỹ và Trung sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc có thể tránh được đà giảm tốc tăng trưởng và đây chắc chắn sẽ là một tin vui đối với doanh nghiệp cao su của Bầu Đức.
Trung Quốc được xem là một thị trường trọng điểm đối với cao su của Bầu Đức. Cho dù khẳng định không dựa vào một thị trường Trung Quốc, nhưng Bầu Đức cũng đã từng xác nhận nếu Trung Quốc ngừng hoặc giảm thu mua thì doanh nghiệp sẽ gặp khó, ít nhất cũng bị ép giá không có lãi.
Một nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng mạnh sẽ khiến hàng loạt các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đầu vào cho sản xuất tại Trung Quốc sẽ khó khăn.
Những tín hiệu ấm áp trở lại trong quan hệ Mỹ-Trung đang thổi một luồng gió tươi mát vào các thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, mối quan hệ tốt đẹp này có duy trì được lâu hay không vẫn thể xác định.
Trong một dự báo gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,9% trong năm nay so với mức tăng 3% trong năm 2018. Theo đó, động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang mất dần trong năm và chặng đường có thể trở nên gập ghềnh hơn trong năm nay.
Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với những bất ổn liên quan tới xu hướng tự do hóa thương mại chậm lại, những hợp tác đa phương như G20, APEC… kém hiệu quả… Chính sách thương mại của ông Donald Trump vẫn theo hướng cứng rắn. Ông Trump luôn coi đây là biện pháp bảo đảm lợi ích cho nền kinh tế Mỹ và cũng là chìa khóa cho cơ hội tái đắc cử của một tổng thống đương nhiệm ở Mỹ.
Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc hiện mới chỉ tập trung vào kinh tế - thương mại. Trong trung và dài hạn, rất có thể mối quan hệ này sẽ xấu đi ở nhiều góc độ khác. Nền kinh tế thế giới có thể chịu những cú sốc mới. 
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp. VN-Index vượt ngưỡng cản 900 điểm nhưng khá yếu do các nhà đầu tư vẫn thận trọng trong bối cảnh thị trường không có thông tin gì thực sự tích cực.
TTCK tăng trở lại chủ yếu do sức cung cổ phiếu giảm và giới đầu tư bớt lo ngại khi các TTCK Mỹ hồi phục.
Một số cổ phiếu trụ cột vẫn trụ khá vững như Vinamilk, Vietjet, Bảo Việt, Petrolimex…
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VN-Index đã tiếp cận vùng kháng cực 903-908 điểm. Trong các phiên đầu tuần tới, chỉ số có thể gặp phải áp lực rung lắc điều chỉnh. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 885-890 điểm.
KIS cho rằng, tâm lý thị trường đang tích cực khi VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 900 điểm. Tuy nhiên, xu hướng điều chỉnh vẫn chiếm ưu thế trên khung thời gian lớn vì thế nhà đầu tư cần thận trọng và đứng ngoài quan sát.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/1, VN-Index tăng 4,41 điểm lên 902,71 điểm; HNX-Index tăng 0,09 điểm lên 101,87 điểm. Upcom-Index tăng 0,16 điểm lên 53,18 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 160 triệu đơn vị, trị giá 3,2 ngàn tỷ đồng.
H. Tú (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm