Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Khủng hoảng tên lửa Cuba đang lặp lại ở Triều Tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc Triều Tiên công bố nhiều loại tên lửa đạn đạo mới và những động thái từ Washington cho thấy cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đang lặp lại ở bán đảo Triều Tiên.

New York Times cho biết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến ngày một phức tạp. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un tập trung xây dựng kho vũ khí với rất nhiều loại tên lửa đạn đạo mới.

 

Tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 (KN-15) được ví von là
Tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 (KN-15) được ví von là "ngôi sao" trong lễ diễu binh ngày 15-4 tại Triều Tiên.

Có những dấu hiệu cho thấy, Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến bí mật nhằm làm suy yếu Bình Nhưỡng chứ không chỉ là đối đầu công khai. Trong cuộc diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng đã công khai nhiều loại tên lửa mới.

Tuy nhiên, sau màn trình diễn hết sức ấn tượng trên quảng trường Kim Nhật Thành, Triều Tiên đã thất bại trong vụ phóng thử tên lửa vào sáng sớm ngày 16-4. Có nguồn tin nói rằng Mỹ đã tấn công mạng làm thất bại của vụ phóng.

New York Times cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang kế thừa hoạt động tấn công không gian mạng nhắm vào Triều Tiên, do cựu tổng thống Barack Obama ra lệnh vào đầu năm 2014. Vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên không diễn ra cũng được cho là có tác động từ hoạt động không gian mạng của Mỹ, cho dù ảnh vệ tinh cho thấy mọi thứ đã sẵn sàng.

Kịch bản Cuba đang lặp lại

Đánh giá về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Robert Litwak, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Woodrow Wilson, có trụ sở tại Washington nhận định “cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đang dần lặp lại trên bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên, sự chuyển động chậm của cuộc khủng hoảng đang tăng tốc trong thời gian gần đây. Tổng thống Trump và các trợ lý của ông nói rằng Mỹ không còn kiên nhẫn khi Bình Nhưỡng đang tiến gần hơn tới mục tiêu vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh “sự kiên nhẫn chiến lược" của Mỹ đã kết thúc khi Bình Nhưỡng đang tiến sát 2 mục tiêu: Thu nhỏ vũ khí hạt nhân (để có thể đặt lên tên lửa), phát triển bom hydro có sức mạnh gấp nhiều lần so với vũ khí hạt nhân kiểu cũ mà Triều Tiên từng chế tạo.

Cuộc khủng hoảng hiện tại không phải tương đồng hoàn toàn với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Tổng thống John F. Kennedy đã xử lý cuộc khủng hoảng tên lửa với Cuba và Liên Xô trong 13 ngày “cân não” năm 1962.

Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên thì đã bắt đầu cách đây hơn 20 năm. Những yếu tố phức tạp của cuộc khủng hoảng lần này dễ dẫn đến những tính toán sai lầm.

Tổng thống Trump đã sử dụng biện pháp cứng rắn khi tấn công Syria và IS ở Afghanistan, trái với sự thận trọng của người tiền nhiệm. Một loạt các cuộc họp của Phòng Tình huống đi đến kết luận rằng Mỹ có thể trở nên hiếu chiến hơn, làm tăng nguy cơ tái khởi động Chiến tranh Triều Tiên, gần 64 năm sau một hiệp định đình chiến vào tháng 7-1953.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng đang cố gắng chứng minh rằng đã quá muộn để bên ngoài có thể tác động đến tham vọng hạt nhân của họ. Đó là lý do tại sao nhà lãnh đạo Kim Jong Un đứng hàng giờ đồng hồ để quan sát rất nhiều vũ khí diễu binh qua lễ đài.

Những loại tên lửa di động có thể giấu trong hàng trăm đường hầm trong các dãy núi ở Triều Tiên. Một trong những “ngôi sao” trong lễ diễu binh là tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2, còn gọi là KN-15. Đây là một tên lửa nhiên liệu rắn có thể phóng chỉ trong vòng vài phút, so với sự chuẩn bị hàng giờ đồng hồ của tên lửa nhiên liệu lỏng.

Điều đó có nghĩa là lực lượng tên lửa Triều Tiên ít bị tổn thương hơn trước cuộc tấn công từ tên lửa của Mỹ phóng từ căn cứ ở Nhật Bản, hoặc đợt không kích từ nhóm tác chiến tàu sân bay. Tên lửa đạn đạo KN-15 thử nghiệm thành công vào đầu tháng 2. Trong cuộc diễu binh ngày 15/4, tên lửa này lần đầu được công khai và nó giống như “một anh hùng chinh phục mặt trăng”.

Mỹ vây hãm chương trình tên lửa Triều Tiên

Triều Tiên từng rất nhiều lần thử nghiệm tên lửa thành công, nhiều đến nổi tên lửa của họ được bí mật bán khắp thế giới. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ thành công trong các lần phóng thử bắt đầu sụt giảm, cho thấy sự hiện diện “bàn tay bí mật” của Washington.

Tỷ lệ thất bại tập trung vào loại tên lửa nguy hiểm nhất là Musudan. Năm 2016, tỷ lệ thất bại với tên lửa này lên tới 88%. Ông Kim Jong Un đã yêu cầu báo cáo về khả năng phá hoại của nước ngoài.

Khi Fox News đặt câu hỏi, liệu Mỹ có đóng vai trò trong lần phóng thử thất bại mới nhất của Triều Tiên, K. T. McFarland, phó cố vấn an ninh quốc gia nói: “Bạn biết rằng chúng tôi không thể nói về điều đó”.

Các chương trình phát triển vũ khí cần rất nhiều thời gian để hoàn thành. Điều đáng lo ngại với các quan chức Washington và các nhà phân tích là sự tiến bộ của Triều Tiên trong một thập niên qua, phát triển đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để phù hợp với tên lửa tầm xa.

Về nguyên tắc, chương trình nguyên tử dường như không mở cửa đối với đôi mắt tò mò hay sự phá hoại từ nước ngoài. Các thử nghiệm hạt nhân diễn ra trong các đường hầm đào sâu trong lòng núi.

Giáo sư Siegfried S. Hecker, Đại học Standford, người từng chỉ đạo Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, nơi chế tạo bom nguyên tử của Mỹ nói: “Họ thực hiện 5 vụ nổ hạt nhân trong vòng 10 năm qua, bạn có thể học được rất nhiều điều trong quãng thời gian đó”.

Theo zing

Có thể bạn quan tâm