Kinh tế

Doanh nghiệp

Khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai phấn đấu thành lập mới 770 doanh nghiệp, tăng 25% so với năm 2017. Theo ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), chỉ tiêu này hoàn toàn có thể đạt được bởi ngoài số doanh nghiệp phát triển tự nhiên, tỉnh sẽ tập trung vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động lên doanh nghiệp.  

Theo số liệu từ Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 34.000 hộ kinh doanh cá thể, là tiềm năng để vận động, khuyến khích phát triển, thành lập doanh nghiệp. Thực chất hoạt động của doanh nghiệp và hộ kinh doanh không có sự khác biệt lớn. Song thực tế, nhiều chính sách lại có sự phân biệt rất rõ và hộ kinh doanh có nhiều bất lợi so với doanh nghiệp, như chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, không được mở chi nhánh tại nơi khác, hạn chế trong huy động vốn…

 

Cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ thành lập doanh nghiệp. Ảnh: K.L
Cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ thành lập doanh nghiệp. Ảnh: K.L

Theo ông Phùng Văn Phước: “Khi là hộ kinh doanh cá thể, quy mô kinh doanh của họ chỉ co cụm ở mức độ gia đình, không mạnh dạn đầu tư phát triển. Đối với công tác quản lý nhà nước thì mức thuế khoán của hộ gia đình sẽ không đem lại nhiều ngân sách. Khi hộ cá thể chuyển thành doanh nghiệp thì sẽ mở rộng thị trường, thu ngân sách nhà nước cũng tăng lên, sổ sách kế toán rõ ràng, thu hút được vốn nhàn rỗi. Khác với hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể đầu tư kinh doanh ở nhiều nơi khác (mở chi nhánh), hoạt động kinh doanh không bị bó hẹp ở một địa điểm. Doanh nghiệp cũng có thể liên kết với nhau để huy động vốn, tiêu thụ sản phẩm, phát triển nhãn hiệu hàng hóa”.

Tham khảo ý kiến của một số hộ kinh doanh về việc chuyển đổi mô hình hoạt động trong tương lai, có ý kiến đồng tình nhưng một số lại cho rằng, hộ kinh doanh chỉ phải đóng thuế môn bài cả năm từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng, không tốn tiền thuê người khai báo thuế và về giá bán thì có thể linh động chiết khấu cho khách hàng để tăng tính cạnh tranh.

 

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã cấp đăng ký thành lập mới cho 610 doanh nghiệp với tổng vốn gần 3.400 tỷ đồng và 350 đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh). Lũy kế đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 4.031 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và gần 2.100 đơn vị trực thuộc.

Vậy khả năng hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp liệu có cao? Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh khẳng định: “Hoàn toàn có thể. Vì ngoài những thuận lợi đặc thù của doanh nghiệp về khả năng tiếp cận vốn, về cơ hội tiếp cận thị trường mới thì Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp”. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt, cũng là băn khoăn của hầu hết hộ kinh doanh là khi chuyển đổi mô hình hoạt động là họ được lợi gì? Khi chuyển đổi, liệu doanh thu có tăng lên hay không? Vì vậy, những người làm công tác quản lý cần vận động, giải thích cho các hộ kinh doanh thấy được lợi ích khi phát triển thành doanh nghiệp, nhất là việc sẽ được miễn giảm thuế để tạo điều kiện, nuôi dưỡng các doanh nghiệp mới chuyển đổi phát triển.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm