TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Hải Nguyễn
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp có thể giải quyết được cùng lúc nhiều mục tiêu hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế, giải quyết vấn đề về hạ tầng, có tác động mạnh đến cả cung và cầu của nền kinh tế, bảo đảm được mục tiêu dài hạn về ổn định vĩ mô và phát triển bền vững. PV Báo Lao Động đã trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Chỉ cần giải ngân thêm 1% vốn đầu tư công cũng tác động lan tỏa đến nhiều ngành
Nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch hằng năm. Thậm chí, năm sau lại có xu hướng giảm hơn năm trước. Cụ thể, nếu năm 2016, giải ngân được 97,8% kế hoạch, thì sang năm 2017 chỉ còn 94,4%; năm 2018 là 92,3% và năm 2019 là 89,5%. Tôi cho rằng, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tác động tới hầu hết mọi ngành nghề kinh doanh, đầu tư công là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, dịch bệnh đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, cả ở phía cung và phía cầu, việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hay du lịch… đều không dễ dàng thì đầu tư công chính là giải pháp hữu hiệu nhất để cứu nền kinh tế. Đây chính là giải pháp nằm trong tầm tay của chúng ta, làm được thì có thể tác động ngay đến tăng trưởng.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì chỉ cần vốn đầu tư công giải ngân thêm được 1%, thì sẽ tác động lan tỏa đến các ngành Xây dựng, đến tích lũy và nâng cao năng lực của nền kinh tế. Điều quan trọng ở chỗ, chỉ cần thêm 1% vốn đầu tư công giải ngân, sẽ góp phần làm vốn ngoài nhà nước tăng thêm 0,92 điểm phần trăm, đồng thời cũng sẽ giúp GDP tăng thêm được 0,06 điểm phần trăm. Năm nay, theo dự tính của chúng tôi, sẽ giải ngân được 93% kế hoạch. Nếu giải ngân hết 100% số vốn kế hoạch, thì chỉ 7 điểm phần trăm tăng thêm đó sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm được trên 0,42 điểm phần trăm. Đấy là còn chưa tính đến những tác động lan tỏa của vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn: Năm 2020, tăng tốc giải ngân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành GTVT
Năm 2020 ngành GTVT có nhiệm vụ phải hoàn thành giải ngân trên 35.000 tỉ đồng vốn đầu tư công (cao hơn 2019 trước khoảng 5.000 tỉ đồng). Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT sẽ phải tập trung triển khai 10 dự án trọng điểm, đặc biệt là 2 dự án là sân bay Long Thành và tuyến đường trục Bắc - Nam. Về dự án tuyến đường trục Bắc Nam, đang được triển khai tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án.
Dự án sân bay Long Thành cũng đã được thống nhất về kế hoạch đầu tư giai đoạn 1. Quốc hội đồng ý đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm trong giai đoạn 1 của sân bay Long Thành... Hơn lúc nào hết chúng tôi hiểu: Tăng tốc giải ngân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành GTVT năm nay.
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM: Cần chọn thứ tự ưu tiên trong đầu tư công
Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, sở ban ngành, quận huyện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TPHCM. Thay vì triển khai kịp tiến độ để sớm đưa các dự án, công trình chống ngập vào phục vụ đời sống dân sinh, việc giải ngân chậm trễ khiến dự án, công trình không thể hoàn thành đúng kế hoạch. Người dân tiếp tục phải chung sống với nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… chất lượng cuộc sống chậm được cải thiện.
Việc giải ngân chậm, thời gian thực hiện kéo dài còn làm tổng kinh phí đầu tư của dự án, công trình bị “đội” lên, có trường hợp tăng cao gấp nhiều lần so với phê duyệt ban đầu do yếu tố trượt giá, dẫn đến phải làm thủ tục xin điều chỉnh dự án. Việc khởi động lại một dự án, công trình đang tạm ngưng thi công cũng phát sinh khá nhiều chi phí.
Trong điều kiện ngân sách có hạn, không đủ đáp ứng tổng nhu cầu vốn đầu tư của toàn xã hội, việc ưu tiên cho dự án, lĩnh vực này là dự án, lĩnh vực kia mất cơ hội. Miếng bánh ngân sách chỉ có ngần ấy, ưu tiên cho chống ngập, giải quyết kẹt xe thì các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, văn hóa, vốn cũng bức xúc không kém… sẽ bị ảnh hưởng vì nhiều công trình, chương trình, dự án, đề án sẽ buộc phải hoãn thực hiện sang các năm sau. Trong khi đó, việc tổ chức điều phối vốn từ các dự án, công trình chậm giải ngân sang các dự án, công trình đang đói vốn rất khó khăn và gần như không thể thực hiện.
Tôi cho rằng, thay vì đánh giá một cách chung chung, cảm tính, cần phải khảo sát, tính toán để có những con số thiệt hại cụ thể do tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh… gây ra cho toàn xã hội để chọn các thứ tự ưu tiên cũng như có quyết định đầu tư công hiệu quả.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Đầu tư công - mắc chỗ nào cần gỡ ngay chỗ đó
Tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình hạ tầng giao thông vận tải lớn là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ... Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Để chặn đà giảm tốc của nền kinh tế, giải pháp ưu tiên trước mắt và thậm chí cả lâu dài vẫn là thúc đẩy đầu tư công. Tuy nhiên, mắc chỗ nào thì gỡ ở chỗ đó.
Đ.Tiến-T.Chí-M.Quân (LĐO)