(GLO)- Nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai đã hoàn thành việc kiểm kê cồng chiêng năm 2020 với những kết quả bất ngờ so với số liệu cách đây 12 năm (năm 2008). Với phương pháp kiểm kê khoa học và cụ thể, kết quả đã phản ánh tương đối chính xác hiện trạng cồng chiêng trong cộng đồng.
Kiểm kê khoa học, cụ thể
Theo kết quả kiểm kê cồng chiêng năm 2020, huyện Ia Grai hiện còn lưu giữ 765 bộ chiêng, giảm 351 bộ so với năm 2008 với 1.116 bộ. Về hiện trạng sử dụng, có 337 bộ thường xuyên sử dụng, 385 bộ ít sử dụng và 43 bộ không sử dụng. 4 xã phía Tây huyện (Ia O, Ia Chía, Ia Khai, Ia Krai) hiện còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất. Mặc dù số lượng cồng chiêng giảm gần 200 bộ nhưng xã Ia O vẫn là địa phương còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất huyện với 344 bộ chiêng, trong đó có nhiều bộ chiêng quý. Nhiều gia đình lưu giữ từ 4 đến 5 bộ chiêng.
Ông Nguyễn Khắc Hùng-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Grai-cho biết: “Chúng tôi đã trực tiếp kiểm kê một số gia đình ở các xã biên giới Ia O. Có một thực tế đáng mừng là khi đời sống của đồng bào Jrai ngày một khấm khá, họ có xu hướng mua thêm cồng chiêng, dù gia đình đã sở hữu vài bộ. Có những gia đình bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua cho được những bộ chiêng quý. Với họ, đó là một cách khẳng định vị thế với cộng đồng. Thế nhưng qua kiểm kê, xã này giảm tới gần 200 bộ so với năm 2008. Chúng tôi cũng đã đối chiếu với kết quả kiểm kê năm 2008 để phân tích nguyên nhân của việc giảm số lượng và tìm giải pháp bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng”.
Theo ông Hùng, việc huyện Ia Grai giảm 350 bộ chiêng và nhiều địa phương khác đều có số lượng giảm so với lần kiểm kê năm 2008 một phần nguyên nhân do sự không thống nhất trong cách ghi số lượng từng bộ hay từng chiếc.
“Một bộ chiêng bao gồm nhiều chiếc nhưng cách ghi thống kê thời điểm trước khác với hiện tại. Bên cạnh đó, nhiều gia đình trước đây có chiêng quý bị mất trộm nên sinh tâm lý hoài nghi, cất cồng chiêng rất kỹ không cho cán bộ kiểm kê. Một số gia đình đi làm ở lại trên nhà rẫy nên việc kiểm kê cũng gặp khó khăn, cán bộ đến nhiều lần vẫn không gặp được để kiểm đếm. Trong đợt kiểm kê này, vẫn còn 5-6 gia đình có cồng chiêng nhưng chưa thực hiện được công tác này”-ông Hùng cho biết thêm.
Cồng chiêng đang được các buôn làng lưu giữ cẩn thận. Ảnh: Đức Thụy |
Tại vùng đất lễ hội Kông Chro, địa phương có số lượng cồng chiêng đứng thứ 3 toàn tỉnh theo số liệu ghi nhận năm 2008 là 651 bộ. Thế nhưng kết quả kiểm kê lần này cho con số 538 bộ. Ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho hay: “Năm 2018, ngành Văn hóa-Thông tin huyện đã tổ chức đợt kiểm kê cồng chiêng trên quy mô toàn huyện, ghi nhận số lượng còn lưu giữ là 462 bộ. Chúng tôi tin tưởng vào số liệu này vì được thực hiện theo quy trình tương đối khoa học, cụ thể, gần giống với lần kiểm kê năm 2020. Từ năm 2018 đến nay, nhiều thôn làng, tổ chức cơ sở Đoàn và nhiều gia đình không ngừng bổ sung thêm cồng chiêng. Do đó, trong lần kiểm kê năm 2020, ghi nhận số cồng chiêng đã tăng thêm 76 bộ, nâng tổng số còn lưu giữ là 538 bộ, hầu hết là loại chiêng cổ Bahnar (443 bộ). Số lượng cồng chiêng tăng so với đợt kiểm kê 2018 cho thấy, người dân lưu giữ cồng chiêng tương đối tốt và đã có sự bổ sung số lượng đáng kể”.
Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro, làng nào cũng có cồng chiêng. “Ngoài số liệu thực tế đưa vào báo cáo, một số người dân cho biết vẫn còn cồng chiêng chôn giấu dưới đất hoặc ở nhà rẫy để đề phòng trộm cắp. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ ghi nhận chứ không đưa vào số liệu kiểm kê thực tế”-ông Hiếu nói.
Bảo tồn sát với đời sống thực
Tại một số địa phương khác, số lượng cồng chiêng cũng có sự biến động theo chiều hướng giảm, cụ thể như huyện Kbang hiện còn 690 bộ (giảm 229 bộ so với năm 2008), Krông Pa có 407 bộ (giảm 110 bộ), Đức Cơ có 215 bộ (giảm 35 bộ)…
Theo ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), đợt kiểm kê này không chỉ là kiểm đếm số lượng mà còn đánh giá tổng quan về môi trường thực hành của cồng chiêng trong cộng đồng. Từ những thông tin, số liệu này, ngành Văn hóa sẽ có những đề xuất liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn.
Các địa phương đang có những cách làm khác nhau để gìn giữ cồng chiêng cũng như phát huy giá trị của không gian văn hóa của di sản này. Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, để công tác bảo tồn đúng hướng, phù hợp với đời sống thực của cồng chiêng cần có những quy định, cơ chế, chính sách cụ thể.
“Không chỉ là bảo vệ số lượng cồng chiêng mà cần nâng tầm giá trị của cồng chiêng về mặt văn hóa di sản phi vật thể để người dân hiểu rõ giá trị từng bộ chiêng mình đang sở hữu. Ngoài ra, ngành Văn hóa cũng cần tôn vinh các hộ gia đình và cộng đồng thực hiện tốt công tác gìn giữ và bảo quản cồng chiêng qua công tác kiểm kê lần này”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro đề xuất.
MINH CHÂU