Xã hội

Đời sống

Kiểm soát cảm xúc tiêu cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hỉ-nộ-ái-ố là những trạng thái cảm xúc tự nhiên của con người. Một người bình thường sẽ trải qua những trạng thái khác nhau của cảm xúc khi có những yếu tố bên ngoài tác động. Đang vui đấy rồi chợt buồn đấy, đang thênh thang thơ thới đấy rồi lo âu mỏi mệt đấy…

Khi đối mặt với điều này, có người coi là chuyện bình thường, nhanh chóng vượt qua; nhưng cũng có người lại chìm mãi vào cảm xúc cá nhân để chúng chi phối mình, đặc biệt là với những cảm xúc tiêu cực.

Có lẽ nhiều người đồng ý với tôi rằng, một trong những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta là sự nóng giận. Nhiều lúc gặp lại một người nào đó, một việc nào đó gợi nhắc chuyện cũ, tôi thường cảm thấy hối tiếc vì vào thời điểm khi xảy ra sự việc đã không đủ bình tĩnh để kiềm chế bản thân. Trong cuộc sống, không ít mâu thuẫn đã xảy ra giữa bạn bè, thậm chí giữa những người thân trong gia đình chỉ vì sự nóng giận bột phát khiến chúng ta có những lời lẽ, hành động vượt quá giới hạn, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì cãi vã, xô xát, từ mặt nhau; nặng thì ẩu đả, tranh chấp, kiện tụng…

Một hiện tượng khá… buồn cười, thường xuyên xảy ra trên mạng xã hội, đó là những cuộc cãi vã mang tính “vô thiên lủng” của các “cư dân mạng”. Khi ai đó nêu ra một vấn đề được quan tâm, thường thì sẽ có các “phe phái”... xông vào tranh luận. Từ người ngoài đời là bạn của nhau, đến người chỉ quen biết nhau sơ sơ, rồi cả những người không hề biết nhau cũng ùa vào tranh cãi. Từ chuyện chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục đến ẩm thực, thời trang; thậm chí quan điểm… nuôi thú cưng cũng dẫn đến những cuộc tranh cãi vô hồi. Người thì bình luận có vẻ từ tốn, người lại dùng lời lẽ nặng nề để bày tỏ quan điểm và thể hiện mình, lời qua tiếng lại, không ai chịu nhường ai.

Không phải không có lý do gì mà ông bà ta đã đúc kết những lời răn dạy thật giá trị: “No mất ngon, giận mất khôn” hay “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”… Không phải tự nhiên mà cũng từ rất lâu đời, nhiều người đã treo trang trọng trên tường nhà chữ “Nhẫn”, như là một cách để tự nhắc mình.

Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực đè nặng lên đôi vai khiến chúng ta luôn phải gánh chịu không ít cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc tiêu cực kéo dài sẽ dẫn đến mệt mỏi và buồn chán. Chị bạn tôi, một nhân viên văn phòng, công việc thường xuyên phải giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý. Lúc nào chị cũng thường trực cảm giác phải gồng mình đối mặt với những sự việc phức tạp và rắc rối. Chị mang cả công việc về nhà khiến không khí gia đình cũng căng thẳng theo. Rồi chị kỳ vọng con cái, khiến chúng phải làm theo những mong muốn của chị. Đến một ngày, phát hiện ra con bị điểm kém và giấu giếm mình, chị gào lên la mắng chúng và cảm thấy sốc vô cùng.

Chán nản, chị tìm đến bác sĩ tâm lý và nhận được lời khuyên là mọi việc đang rất bình thường, chẳng có gì nghiêm trọng cả, người phải thay đổi chính là chị. Chị đã kiên trì làm theo những lời khuyên từ bác sĩ và quả thật, mọi việc đã thay đổi. Giờ gặp chị, tôi thấy chị vui vẻ hẳn, cười nói luôn miệng.

Hàng ngày, công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với trẻ con. Thỉnh thoảng, tôi cũng phải đứng ra giải quyết mâu thuẫn giữa chúng. Đôi khi, mâu thuẫn xảy ra từ những việc rất nhỏ tưởng chừng không đáng có, như liếc mắt qua lại với nhau, mượn nhau đồ dùng, lỡ miệng chê nhau điều gì đó… Để sự việc trôi qua, tôi thường để những bạn nhỏ ngồi cách thật xa nhau, hít thở thật sâu, nghĩ thật kỹ mọi việc rồi kể lại. Khi mọi cảm xúc tiêu cực lắng xuống, tôi hỏi xem nếu bây giờ sự việc lặp lại một lần nữa thì có cư xử như vừa rồi không. Hầu hết trả lời là sẽ không cư xử như vậy nữa.

Rõ ràng, việc chế ngự những cảm xúc tiêu cực của mỗi người không phải dễ dàng gì. Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng khi đối mặt, để vượt qua, đòi hỏi mỗi người phải trang bị những kiến thức, hiểu biết nhất định và phải thật kiên trì. Nghe nhạc, đọc sách, xem phim, trồng cây, chăm sóc thú cưng, tập luyện môn thể thao ưa thích, học một bộ môn nghệ thuật mình có năng khiếu… như là liệu pháp tinh thần giúp chúng ta cân bằng cuộc sống sau những giờ học tập, lao động trí óc căng thẳng. Trò chuyện với bạn bè, chia sẻ với những người mình tin cậy khi gặp phải một chuyện gì đó khiến ta buồn bực, lo âu cũng là cách giúp ta vơi bớt cảm xúc tiêu cực đang chế ngự trong lòng.

Chúng ta có thể dùng máy móc để thay thế con người làm được rất nhiều việc. Nhưng cảm xúc của con người là thứ không máy móc nào thay thế được. Vậy nên chỉ có con người mới tự mình chế ngự, tự mình vượt qua cảm xúc tiêu cực mà mình phải chịu đựng. Có lẽ, bên cạnh kiến thức, kỹ năng được trang bị, người thành công phải là người biết kiểm soát, không để những cảm xúc tiêu cực chi phối, điều khiển mình.

Có thể bạn quan tâm