Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Kiểm tra và góp ý chỉnh sửa bản mẫu Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 13-12, tại thủ đô Hà Nội, đoàn công tác của tỉnh Gia Lai do đồng chí Hà Sơn Nhin-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, góp ý chỉnh sửa bản mẫu Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Cùng đi với đoàn công tác có đồng chí Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thế Tổng-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; cùng các đồng chí là Trưởng các ban Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan.

Bản mẫu tượng đài chiến thắng Đak Pơ bằng đất sét với tỉ lệ 1:1 so với bản thật. Ảnh: Đức Phương
Bản mẫu tượng đài chiến thắng Đak Pơ bằng đất sét với tỉ lệ 1:1 so với bản thật. Ảnh: Đức Phương

Báo cáo với đoàn công tác, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam là tác giả của Tượng đài cho biết, sau 4 tháng nỗ lực thi công bản mẫu Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ được làm bằng đất sét có tỉ lệ 1:1 so với thiết kế đã hoàn thành. Hạng mục bệ và tượng đài có chiều dài 9 mét, rộng 7 mét, cao 14,5 mét. Công trình gồm một khối tượng có 5 hình người (4 nam, 1 nữ) là đại diện của bộ đội chủ lực Trung đoàn 96 đơn vị chủ công làm nên Chiến thắng Đak Pơ, bộ đội địa phương, người đồng bào dân tộc bản địa và quần chúng nhân dân đứng hiên ngang trên một cổ xe của địch đang bốc cháy, hân hoan mừng chiến thắng.

Qua kiểm tra tại thực địa, Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin cho rằng về tổng thể bản mẫu tượng đài bằng đất sét là đáp ứng được yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị chỉnh sửa một số chi tiết của tượng đài cho chân thực hơn như: Hình tượng người phụ nữ cầm dao trong bản mẫu phải sửa lại thành cầm hoa vì thắng trận rồi lúc đó người phụ nữ đồng bào bản địa không cầm dao nữa mà cầm hoa mừng chiến thắng. Phần chân đế phía trước của tượng đài cần phải nối dài ra phía trước thành một cái bệ để người dân đến thăm viếng tượng đài có nơi để đặt hoa tưởng nhớ.

Ông Dương Chí Trực (80 tuổi) nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 96 trực tiếp tham gia trận đánh Đak Pơ góp ý, tượng đài nên chỉnh sửa phần lồng ngực của nam chiến sĩ người đồng bào đứng phía trước nên xẹp xuống một chút vì lúc bấy giờ chiến sĩ ta chiến đấu trong điều kiện khó khăn, gian khổ nên không được mập mạp như bản mẫu tượng đài. Chi tiết mũ đội trên đầu của chiến sĩ cần phải chỉnh sửa lại cho giống như mũ thật hồi đó là mũ vải có đan ca rô, từ đỉnh mũ suôn xuống vành mũ chứ không tạo thành bậc nấc vuông góc với vành mũ. Chi tiết dép cao su của chiến sĩ phải là dép 4 quai cho sát với thực tế quân trang, quân phục lúc bấy giờ.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Gia Lai kiểm tra, góp ý chỉnh sửa bản mẫu Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Đức Phương
Đoàn lãnh đạo tỉnh Gia Lai kiểm tra, góp ý chỉnh sửa bản mẫu Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Đức Phương

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng tham gia góp ý với nhóm tác giả là nên chỉnh sửa nét mặt của nam chiến sĩ không đội mũ đứng phía sau của khối tượng đài cho gần gũi, chân thực hơn vì ở bản mẫu nét mặt của chiến sĩ “nhìn hơi tây”...

Thay mặt cho nhóm cộng sự thuộc đơn vị thi công nhà điêu khắc Vũ Đại Bình tiếp thu các ý kiến góp ý của đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Gia Lai để tiến hành chỉnh sửa bản mẫu bằng đất sét sau đó sẽ thi công bản mẫu tượng đài bằng chất liệu composite rồi chuyển vào tỉnh Ninh Bình để đúc khuôn, thi công bản thật của tượng đài bằng đá tự nhiên. Công đoạn cuối cùng là chuyển các khối tượng đài bằng đá tự nhiên ở Ninh Bình vào huyện Đak Pơ (Gia Lai) để lắp ghép, thi công hoàn thiện.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt và giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là tôn tạo, chỉnh trang khu di tích hiện có đã được Nhà nước xếp hạng là “Khu di tích lịch sử-văn hóa”, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai và đồng đội của Trung đoàn 96, tôn vinh các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Công trình khẳng định được tầm vóc của Chiến thắng Đak Pơ là “Điện Biên Phủ của Liên khu 5”, từ đó góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ mai sau.

Công trình có quy mô cấp II, diện tích xây dựng 360 m2, chiều cao công trình 18,3 mét. Riêng hạng mục bệ và tượng đài có chiều dài 9 mét, rộng 7 mét, cao 14,5 mét. Tổng mức đầu tư hơn 25,2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 2 năm (2014 và 2015).

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm