Xã hội

Kiên quyết ngăn chặn tình trạng săn bắt tận diệt chim hoang dã di cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đang hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Đảo Cát Bà dần vắng bóng chim trời do vấn nạn bẫy bắt, giết hại chim hoang dã di cư suốt 20 năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đảo Cát Bà dần vắng bóng chim trời do vấn nạn bẫy bắt, giết hại chim hoang dã di cư suốt 20 năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Nhằm kịp thời ứng phó với nạn săn bắt chim hoang dã đã và đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là quần đảo Cát Bà - “điểm nóng” về bẫy bắt, giết hại, buôn bán chim hoang dã di cư đã diễn ra phổ biến như “cơm bữa” suốt 20 năm qua, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về nội dung của dự thảo Chỉ thị nêu trên, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết thời gian qua, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã di cư diễn ra nghiêm trọng tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh và các cam kết quốc tế về Đối tác đường bay chim di cư tuyến Australia-Đông Á (EAAFP) mà Việt Nam là thành viên.

Vì thế, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt các loài chim hoang dã di cư là việc làm cấp thiết.

Để chuẩn bị kỹ cho dự thảo Chỉ thị quan trọng trên, mới đây, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã tổ chức cuộc họp kỹ thuật với sự tham gia các chuyên gia bảo tồn chim, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), VietNature... xoay quanh nội dung bảo vệ các loài chim hoang dã, đặc biệt là chim hoang dã di cư.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã trao đổi, đưa ra các khuyến nghị, đề xuất các giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học xây dựng những quyết sách kịp thời giải quyết vấn đề này cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ các loài chim hoang dã.

Sau khi hoàn thiện dự thảo Chỉ thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành. “Đây là vấn đề quan trọng nên chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành để có thể trình Chính phủ trong nửa đầu quý 1,” bà Nhàn nhấn mạnh.

Trước đó, trong năm 2020, Báo điện tử VietnamPlus đã liên tiếp đăng tải 3 loạt bài phóng sự điều tra phản ánh về tình trạng săn bắt, giết hại, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, trong đó phổ biến là các loài chim hoang dã, chim di cư tại nhiều địa phương trên cả nước; đặc biệt là tại khu vực chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa, tỉnh Long An - nơi được xem là “vùng đặc khu buôn bán chim trời” lớn nhất cả nước tồn tại hơn 10 năm qua.

Ngay sau khi đăng tải hai loạt bài "Thâm nhập 'thế giới ngục tù' tàn sát động vật trong 'sách đỏ' Việt Nam" và "Đặc vụ xóa sổ 'địa ngục chim trời': Cuộc chiến không khoan nhượng," Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An ngay lập tức cũng đã yêu cầu họp khẩn, giao các sở, ngành, đơn vị liên quan vào cuộc điều tra; xử lý vi phạm hành chính các đối tượng vi phạm; gắn biển nghiêm cấm các hoạt động buôn bán động vật hoang dã không rõ nguồn gốc.

 

Sau một buổi tối đặt bẫy, hàng trắm cá thể chim đã bị người dân Cát Bà bắt đưa về làm thịt. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sau một buổi tối đặt bẫy, hàng trắm cá thể chim đã bị người dân Cát Bà bắt đưa về làm thịt. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Gần đây nhất, cuối tháng 11, đầu tháng 12/2020, Báo điện tử VietnamPlus tiếp tục đăng tải loạt bài phóng sự điều tra “Tiếng kêu cứu của chim trời Cát Bà: Nỗi đau ai thấu?” phản ánh tình trạng bẫy bắt, giết hại, buôn bán chim hoang dã di cư ở quần đảo Cát Bà đã và đang diễn ra ngang nhiên như “cơm bữa” suốt 20 năm qua, song dường như lại “che mắt” được chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn.

Hệ quả của “lỗ hổng” trong công tác quản lý nêu trên là mỗi ngày đêm, hàng trăm cá thể chim trời, trong đó có những loài chim trong diện “sách đỏ” ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà vẫn liên tiếp bị bẫy bắt, “hóa kiếp” thành những món ăn dân dã của người dân vùng đảo cũng như tuồn bán đi khắp nơi…

Thực trạng trên không chỉ làm xấu hình ảnh quần đảo Cát Bà mà còn khiến nhiều loài chim di cư, nhất là các loài chim hoang dã quý, hiếm đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, tiềm ẩn rất nhiều hệ luỵ gây ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, cũng như tiềm ẩn việc lây nhiễm các bệnh dịch từ động vật sang người.

Với mong muốn ngăn chặn tình trạng trên, loạt bài đã chỉ ra hàng loạt những “khoảng tối” có vấn đề, từ đó kiến nghị, thúc giục các cơ quan chức năng liên quan, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu lưu ý và đưa ra cách giải quyết, cũng như hướng quản lý, bảo tồn hiệu quả hơn.

Kết quả là, ngay sau khi đăng tải loạt bài, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập tức yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp ra văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, đề nghị tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm vấn nạn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Tổng cục Môi trường thành lập Đoàn kiểm tra xuống làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của thành phố Hải Phòng. Tại buổi làm việc, cơ quan chuyên môn của Hải Phòng đã xác nhận phản ánh của Báo Điện tử VietnamPlus là đúng thực tế.

Trên cơ sở đó, đoàn công tác đã đề nghị phía địa phương tăng cường giám sát các hoạt động săn bắt, bẫy, giết các loài hoang dã, đặc biệt là loài chim di cư để bảo vệ tính đa dạng sinh học; chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra thường xuyên để phát hiện các trường hợp vi phạm, kiểm soát tình hình và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết không để tình trạng trên diễn ra gây ảnh hưởng cho đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến Khu dự trữ Sinh quyển Cát Bà.

Trong diễn biến liên quan, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu; có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng săn bắt, vi phạm trong bảo vệ động vật hoang dã, nhất là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.

Trên tinh thần đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan vào cuộc điều tra; tập trung xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bẫy bắt, giết hại, buôn bán chim hoang dã di cư ở trên địa bàn..

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm