Kỹ sư kiểm tra việc san nền Sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN |
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 429/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi kiểm tra, làm việc về tiến độ triển khai Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thông báo nêu rõ, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là công trình thế kỷ, lớn nhất từ trước tới nay về quy mô, giá trị tổng mức đầu tư, tính chất hiện đại, phức tạp về công nghệ và được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, yêu cầu đáp ứng về chất lượng, tiến độ.
Đây cũng là công trình mang tính lịch sử với ngành Hàng không nói riêng và ngành Giao thông Vận tải nói chung. Việc thành công của dự án sẽ minh chứng cho năng lực của các chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc quản lý, điều hành và tiếp cận với kỹ thuật mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu công trình phải bảo đảm yêu cầu vĩnh cửu, lâu dài, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất.
Chủ đầu tư phải xác định mức độ quan trọng, thiết yếu của công trình, mối quan hệ, ràng buộc giữa các hạng mục, yêu cầu rõ ràng về pháp lý, kỹ thuật, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các bên liên quan, không để xung đột trong quá trình triển khai các gói thầu, dự án thành phần và có chế độ khen thưởng các nhà thầu thực hiện tốt, chế tài xử phạt với các nhà thầu làm sai, kiên quyết thay thế đối với nhà thầu yếu kém.
Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chính về tổng thể dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình thực hiện dự án thành phần 3; các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai Dự án.
Các bộ, ngành liên quan, các chủ đầu tư các dự án thành phần xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ chi tiết, khoa học, phù hợp với mục tiêu, tiến độ của Dự án và các cam kết với Chính phủ, với Quốc hội; gửi Bộ Giao thông Vận tải rà soát, tổng hợp kế hoạch triển khai tổng thể Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2023.
Trên cơ sở kế hoạch tổng thể của Dự án, Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm thúc đẩy, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của tất cả các dự án thành phần.
Nỗ lực triển khai công tác giải phóng mặt bằng
Về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai xây dựng hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành theo nội dung đã trình Quốc hội điều chỉnh, gửi Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét khi phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư sau khi Quốc hội thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở triển khai tiếp công tác giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tại công trường Sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN |
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trực tiếp làm việc với Kiểm toán Nhà nước về các vướng mắc trong việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tiếp tục nỗ lực, khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giải quyết dứt điểm tình trạng "xôi đỗ" trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai bàn giao mặt bằng tuyến giao thông số 2 đúng tiến độ.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai báo cáo Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các tuyến đường liên quan; báo cáo và đề xuất những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành
Về Dự án Đầu tư Xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đối với Dự án thành phần 1: Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để bố trí hợp lý trụ sở các cơ quan kiểm dịch y tế, động/thực vật.
Đối với Dự án thành phần 2, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam khẩn trương triển khai dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xác định quy hoạch chi tiết khu đất hỗn hợp 22 Trần Quốc Hoàn, Phường 4, quận Tân Bình bảo đảm phù hợp với hiện trạng pháp lý sử dụng đất và cấp phép xây dựng Dự án Trung tâm Kiểm soát Không lưu Hồ Chí Minh của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến việc vận hành, khai thác Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Đối với Dự án thành phần 3, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai; đánh giá lại năng lực quản lý, điều tiết kết nối thi công trên công trường; quản lý sâu sát quá trình triển khai các gói thầu, gắn trách nhiệm của các nhà thầu; kịp thời phát hiện để có biện pháp khắc phục, giải quyết kịp thời các sai sót, xung đột.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam nghiên cứu áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, công cụ quản lý; quản lý theo mô hình BIM trên toàn bộ dự án.
Đối với Dự án thành phần 4, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tăng cường năng lực cán bộ để lựa chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực (tài chính, kỹ thuật), uy tín trong việc thực hiện cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho Cảng Hàng không, bảo đảm nâng cao tính cạnh tranh của ngành Hàng không Việt Nam.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 78/TB-VPCP ngày 16/3/2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện. Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm trong việc tham mưu, triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư Dự án thành phần 4.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ, thực hiện trách nhiệm của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng, chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tổ chức kiểm tra thực tế tại công trường Dự án theo chức năng, nhiệm vụ; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng, thiếu kiểm tra.