Kinh tế

Doanh nghiệp

Kiến tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 604 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký là 5.541 tỷ đồng, nâng tổng số toàn tỉnh lên 9.963 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 152.662 tỷ đồng. Bình quân hàng năm có khoảng 960 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký đạt 8,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tốc độ tăng bình quân doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 5 năm gần đây đạt trên 10%/năm”.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông qua hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đã đóng góp 40-45% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh. Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đã hình thành và phát triển một số hội, hiệp hội như: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh với trên 600 hội viên, Hội Nữ doanh nhân tỉnh với trên 70 hội viên, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh với hơn 200 hội viên.

Đội ngũ doanh nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực, tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Gia Lai đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: H.D

Gia Lai đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: H.D

Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) chia sẻ: Từ một cơ sở thu mua, chế biến nông sản với 6 công nhân, sau 33 năm, Công ty Vĩnh Hiệp đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu của cả nước.

“Trong quá trình đó, ngoài nỗ lực tự thân, Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, Công ty luôn ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng. Hàng năm, Công ty dành riêng nguồn quỹ khoảng 2 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội”-ông Hiệp cho hay.

Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thời kỳ mới. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-nhận định: Hơn 98% doanh nghiệp của tỉnh có quy mô siêu nhỏ, sức cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Tỉnh cũng còn thiếu những doanh nghiệp “đầu tàu” có quy mô lớn tham gia dẫn dắt và hình thành nên những chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Sản xuất cà phê organic ở trang trại cà phê Vĩnh Hiệp. Ảnh: H.D

Sản xuất cà phê organic ở trang trại cà phê Vĩnh Hiệp. Ảnh: H.D

Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 12.000 doanh nghiệp và đến năm 2030 đạt khoảng 18.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh; 100% doanh nghiệp được phổ biến kiến thức về các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Tầm nhìn đến năm 2045, Gia Lai sẽ hình thành một số doanh nghiệp có quy mô lớn, có thương hiệu uy tín, có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt.

Để xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, ngày 19-8-2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1964/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9-5-2024 của Chính phủ và Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 10-1-2024 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị có liên quan phải coi việc phát triển doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh và của địa phương; phải nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng đơn vị, địa phương gắn với các bộ chỉ số cốt lõi, chỉ tiêu thành phần, yếu tố cải thiện môi trường kinh doanh; thực hiện lồng ghép các chỉ số thành phần năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) gắn với điều hành kinh tế-xã hội của địa phương.

“Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Sở sẽ chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư các quy định về đầu tư; thường xuyên rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, quyết định chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư... Đồng thời, duy trì và triển khai thực hiện tốt công tác đăng ký kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục đăng ký kinh doanh, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Có thể bạn quan tâm