(GLO)- Vài giờ sau khi sự việc xảy ra, có mặt tại khu chợ tự phát nằm dọc hai bên tỉnh lộ 664 đoạn chạy qua thôn 1, xã Ia Krái, chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được nỗi bức xúc trên khuôn mặt gần 20 tiểu thương buôn bán tại đây.
Theo bà Lương Thị Ngâu-một người buôn bán rau và cá ở chợ cho biết, khoảng 4 giờ sáng 1-7, bà đi lấy hàng từ TP. Pleiku về đến chợ. Khi đang bỏ hàng từ trên xe xuống thì bà thấy một tốp cán bộ xã đi trên một ô tô bán tải và nhiều xe máy xuất hiện. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì một người trong số họ bước đến, thản nhiên xách bì bún gần 20 ký của bà bỏ lên thùng xe ô tô. Thấy vậy bà liền hỏi: “Các ông làm gì vậy?
Các ông định ăn cướp à? Tôi sai cái gì các ông phải nói cho tôi biết. Các ông muốn thu gì thì cũng phải lập biên bản chứ”. Thấy bà Ngâu làm căng, số cán bộ xã đành để bà lấy lại bì bún rồi bỏ đi qua bên kia đường, tới phía trước nhà chị Trần Thị Lương, bà Phạm Thị Úc, bà Trần Thị Liễu, bà Hà Thị Thúy… lấy dù, bàn bày hàng vứt lên thùng xe.
Các tiểu thương vây quanh chiếc ô tô mà cán bộ xã Ia Krái huy động đi cưỡng chế sáng 1-7. Ảnh: T.D |
Lúc này, nghe tiếng ồn ào, những hộ buôn bán, kinh doanh tại đây đổ ra đường. Một cuộc giằng co quyết liệt để giành lại tài sản giữa những người dân với cán bộ xã đã xảy ra. Tuy nhiên, một số dù, bàn của các tiểu thương vẫn bị chiếc xe ô tô bán tải BKS 81M-4002 do nhóm cán bộ xã điều đến chở đi. Sau đó, khi chiếc xe này từ hướng trụ sở UBND xã quay trở lại thì bị người dân chặn giữ không cho di chuyển. Trước sự phản ứng quyết liệt của người dân, nhóm cán bộ xã đã bỏ đi, để lại chiếc xe ô tô.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi sự việc trên xảy ra, vào ngày 29-6, tất cả các tiểu thương tại khu chợ tự phát đều được UBND xã Ia Krái gửi cho một bản thông báo do ông Ksor Loan-Chủ tịch UBND xã ký ngày 28-6. Bản thông báo nêu rõ, nhằm chấn chỉnh lại việc buôn bán, kinh doanh tại khu chợ tự phát để đảm bảo an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND xã yêu cầu, kể từ sáng ngày 30-6, tất cả các hộ kinh doanh, buôn bán hàng tươi sống (rau, quả, gia súc, gia cầm) phải tập trung lên chợ nông thôn trung tâm xã Ia Krái để buôn bán. Nếu các hộ không thực hiện theo thông báo, tiếp tục buôn bán tại khu chợ tự phát sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Cùng với thông báo này, trong ngày 28-6, Chủ tịch UBND xã còn ban hành bản Kế hoạch số 02 thành lập 3 tổ công tác gồm 31 thành viên, trong đó có Phó Chủ tịch UBND xã Lý Minh Hoàng, Trưởng Công an xã Rah Lan Then để “vận động chấn chỉnh việc buôn bán dọc tỉnh lộ 664 xã Ia Krái”. Có một điều khá lạ đời trong bản kế hoạch này là thời gian để 3 tổ công tác bắt đầu tiến hành vận động người dân là từ… 4 giờ sáng. Nực cười hơn nữa là “phương pháp” mà ông xã Ksor Loan yêu cầu các tổ công tác thực hiện là mỗi tổ đứng ở một ngã ba (cả 3 ngã ba này đều cách khá xa địa điểm các hộ buôn bán-P.V) để vận động chứ không phải đến tại quầy, sạp hàng của các tiểu thương.
Không lập biên bản vi phạm, cũng chẳng cần sự có mặt của chủ tài sản, mờ sáng 1-7, UBND xã Ia Krái, huyện Ia Grai đã huy động lực lượng, phương tiện tới thu giữ dù, bạt, bàn bày hàng của các hộ kinh doanh, buôn bán tại khu chợ tự phát dọc tỉnh lộ 664. Lối hành xử không giống ai này của chính quyền xã Ia Krái đã khiến những hộ kinh doanh, buôn bán nơi đây hết sức bức xúc. |
Cũng bởi ban hành một bản kế hoạch lạ đời như vậy nên sáng 30-6, tại các ngã ba gần khu chợ tự phát, theo lời các tiểu thương nơi đây mới xuất hiện một hình ảnh khá bi hài. Đó là việc các cán bộ xã chốt chặn các ngã ba dẫn vào chợ, thay vì vận động các tiểu thương thì lại chỉ kiên quyết không cho người dân vào trong mua bán. Đến khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tiểu thương và nhân dân xung quanh thì họ lặng lẽ… đi về.
Trao đổi với chúng tôi, tất cả các tiểu thương buôn bán ở khu chợ tự phát đều khẳng định, mặc dù đã được chính quyền xã, huyện vận động nhiều lần và được Ban Quản lý Chợ nông thôn trung tâm xã Ia Krái hứa sẽ ưu đãi 2 năm không thu thuế nhưng họ vẫn không muốn chuyển vào Chợ nông thôn trung tâm xã Ia Krái. Lý do, theo như bà Triệu Thị Thoa đưa ra là chợ nông thôn trung tâm xã xa khu dân cư. “Vào đó thì bán cho ai?”-bà Thoa nói. Cũng theo bà Thoa, cách đây mấy tháng, một số tiểu thương tại chợ tự phát nghe theo sự vận động đã chuyển vào chợ nông thôn trung tâm xã nhưng sau đó đều nhanh chóng quay về vì không buôn bán được.
Ngoài ra, theo các tiểu thương thì vị trí buôn bán hiện nay đều là tận dụng vị trí trước nhà của họ và hiện không hề ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường 664 chạy qua. Còn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, khi huyện và xã khuyến cáo, họ đã tới Trạm Thú y huyện để làm thủ tục đăng ký thì được trả lời là… chỉ cấp khi chuyển vào chợ nông thôn trung tâm xã.
Tại buổi làm việc với chúng tôi chiều 1-7, ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: Quan điểm của huyện là đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ (chợ nông thôn trung tâm xã Ia Krái do Công ty TNHH một thành viên Tuấn Nhung đầu tư xây dựng-P.V) thì phải vận động người dân vào buôn bán. Nếu vận động mà người dân vẫn không vào thì ai vi phạm, cụ thể là không có đăng ký kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự an toàn giao thông sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Những việc này, huyện đã giao cho xã tiến hành suốt thời gian qua. Về chuyện xảy ra sáng 1-7, ông Tường cho rằng, động cơ của xã là tích cực nhưng phương pháp còn nóng vội và việc xử lý còn chưa đúng quy trình.
Tiến Dũng