(GLO)- Xã Kim Tân (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) ngày trước là thôn Kim Tân thuộc xã Pờ Tó (huyện Ayun Pa). Tên gọi của thôn được ghép từ tiếng Kim (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam Ninh cũ) với tiếng Tân (thôn kinh tế mới Tân Cư) mà thành. Trong ký ức của những người con ly hương không thể nào quên cuộc sống gian khổ của những ngày đi khai đất lập làng.
Một sáng mùa thu vàng dịu nắng, ngồi cùng tôi trong gian phòng khách ngôi nhà xây kiên cố nằm trên đường Trường Sơn Đông, ông Dương Đức Viện nhấp từng ngụm trà trầm ngâm hồi tưởng: Ngày 25-5-1978, Đại đội Thanh niên xung kích xây dựng kinh tế mới Tây Nguyên của huyện Kim Bảng gồm 120 người, biên chế làm 4 trung đội lên đường làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa dân từ huyện Kim Bảng làm kinh tế mới.
Theo kế hoạch, trong thời gian 3 năm, đội khai khẩn đất mở đường, quy hoạch đất xây dựng tối thiểu 100 căn nhà tạm (nhà 1 gian, 2 chái có diện tích 30 m2); các công trình dân sinh như giếng nước, trường học, trạm y tế, điểm mua bán trao đổi lương thực, thực phẩm cùng 100 ha đất rẫy, 18 ha đất ruộng lúa nước dùng nước trạm bơm chạy bằng than đảm bảo cho 100 hộ dân sinh sống.
Đến tháng 12-1978, 30 hộ dân đầu tiên từ huyện Kim Bảng đến với vùng đất mới, hợp với 10 hộ người Kinh định cư từ trước năm 1975, bà con 2 làng đồng bào Jrai tại chỗ Blôm và Mơ Năng đặt tên thôn Tân Cư. Người dân được Nhà nước hỗ trợ lương thực trong 2 năm.
Ngày ấy, ở nơi đây, việc giao thương với bên ngoài chỉ có lối mòn độc đạo vượt qua đèo Ia Pa bằng đôi chân trần, bằng chiếc xe đạp cũ kỹ. Sốt rét rập rình quanh năm, sốt xuất huyết tràn về mỗi mùa mưa đến. Cuộc sống không chỉ thiếu thốn, khó khăn mà còn nơm nớp nỗi lo bị bọn FULRO phá hoại nên một số hộ đã chuyển đi. Thêm mấy đợt đưa dân làm kinh tế mới đến, được chừng 100 hộ vào cuối năm 1979. Lưu dấu quê xưa nơi ở mới, truyền đời nhắc nhớ cháu con bản quán, cái tên thôn Kim Tân ra đời.
Trung tâm xã Kim Tân (huyện Ia Pa). Ảnh: Đình Phê |
Ông Bùi Văn Tuyên-nguyên Đại đội trưởng Đại đội Thanh niên xung kích xây dựng kinh tế mới Tây Nguyên-nhớ lại: “Hành trang mang theo của cả Đại đội, ngoài sức trẻ tràn đầy nhiệt huyết cùng nông cụ để khai hoang, khẩn đất còn có súng trường để tự vệ; thuốc men tối thiểu để chữa những bệnh thông thường. Kết thúc thời gian làm nghĩa vụ, hoàn thành công việc được giao, trong số 120 anh em chúng tôi người thì về quê cũ, người đến địa phương khác tìm sinh kế, lập nghiệp, chỉ còn 52 người bám trụ. Vào các năm 1985, 1986, người dân các xã Đồng Hóa, Thanh Sơn, Thi Sơn (huyện Kim Bảng) tiếp tục vào Pờ Tó, lên đến 100 hộ, lập thêm thôn Đồng Sơn”.
Sau hơn 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Pờ Tó đổi thay, cư dân đông đúc. Tháng 10-1998, qua 2 lần xã Pờ Tó chia tách, xã Kim Tân ra đời, gồm có 5 thôn, làng (3 thôn người Kinh và 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số).
Ông Trương Minh Khang-Chủ tịch UBND xã Kim Tân-kể: “Tuổi thơ chúng tôi đi bộ trên con đường đất gập ghềnh bụi mù, trơn lầy đến ngôi trường vách ván, mái tranh, nền đất. Ngay từ tuổi học sinh tiểu học, ngoài thời gian đến lớp đã phải phụ giúp bố mẹ không chỉ công việc nhà mà cả việc ngoài đồng. Biết nhặt nhạnh củ măng, cái nấm; bẫy thú bắt chim, bắt con cua con cá”.
Kim Tân hôm nay đang căng mình vươn tới đích xã nông thôn mới. Tuy chưa có quyết định công nhận thị tứ hay thị trấn nhưng dọc con đường Trường Sơn Đông, khu vực trung tâm xã đã không thể tìm thấy dấu xưa của những mái nhà tạm bợ. Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc được xây dựng kiên cố, khang trang, khuôn viên rộng thoáng rợp bóng cây xanh.
Tuy là xã thuộc huyện nghèo nhưng dịch vụ các loại từ dân sinh đến vui chơi giải trí ở đây chừng như chẳng thiếu. Nhưng vẫn có một Kim Tân nhung nhớ, như một thứ quyền lợi không chỉ của riêng người dân Kim Tân mà cả những ai đã từng dừng chân “hốc Pờ Tó” năm nào.
RƠ Ô TRÚC