Điểm đến Gia Lai

Kon Chư Răng: Bảo vệ đa dạng sinh học để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bằng nhiều giải pháp thiết thực, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng đã góp phần bảo vệ rừng và sự đa dạng sinh học. Mới đây, đơn vị là đại diện duy nhất của tỉnh vinh dự được nhận Giải thưởng môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng.
Tích cực giữ rừng
Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng-cho biết: Đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hơn 15.000 ha rừng nguyên sinh. Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm, các chủ rừng, đặc biệt là chính quyền các xã: Sơn Lang, Đak Rong (huyện Kbang) để kịp thời xử lý các tình huống phức tạp xảy ra.
Với phương châm phòng ngừa là chính, đơn vị giải quyết tốt vấn đề tranh chấp, chồng lấn đất với người dân vùng đệm, đồng thời, thu hút con em vùng đệm vào làm việc cho Ban Quản lý và tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân về vai trò, tác dụng của rừng cũng như nhận thức trong tham gia bảo vệ rừng. Ngoài ra, đơn vị cũng giao khoán cho người dân vùng đệm bảo vệ hơn 4.000 ha rừng. Ông Đinh G’Lớp-già làng làng Hà Lâm, xã Sơn Lang-cho hay: “Làng có 98 hộ đang nhận khoán bảo vệ gần 500 ha rừng của Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng. Ngoài tham gia các buổi tuần tra bảo vệ rừng, làng cũng triển khai cho người dân cam kết không phá rừng lấy gỗ, săn bắt động vật và từ bỏ việc luân canh trên đất rừng”. Còn ông Đinh Văn (làng Hà Lâm) thì chia sẻ: “Khi nhận khoán bảo vệ rừng, gia đình tôi luôn chấp hành nghiêm việc không phá rừng lấy gỗ, không săn bắt thú. Gia đình cũng tham gia đầy đủ các đợt tuần tra bảo vệ rừng do làng tổ chức và báo ngay cho Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng khi thấy có người lạ vào rừng hoặc có các dấu hiệu chặt phá cây, săn bắt thú rừng”.
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Thương
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Thương
Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng và người dân vùng đệm trong công tác phối hợp bảo vệ, thời gian qua, đơn vị đã kịp thời ngăn chặn nhiều hành vi xâm hại rừng. Diện tích và chất lượng rừng cũng tăng lên với độ che phủ đạt trên 98,5% (tăng 1,1%); diện tích rừng giàu tăng 2,9 lần (chiếm 69% trên tổng diện tích đang quản lý); rừng nghèo, rừng non giảm 29,5 lần; đất trống giảm 3 lần; diện tích đất chồng lấn giảm từ 62 ha năm 2005 xuống còn 6,7 ha năm 2020…
Bảo tồn đa dạng sinh học
Ông Phạm Quyết Thành-cán bộ Phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng) cho biết: Rừng Kon Chư Răng được quản lý tốt đã góp phần bảo vệ hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường quảng bá đa dạng sinh học trên các phương tiện truyền thông để thu hút các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức điều tra, khám phá các giá trị đa dạng sinh học nhằm phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn. Theo đó, các đoàn đánh giá Khu BTTN Kon Chư Răng có trữ lượng động vật, thực vật đa dạng và đạt chất lượng với hơn 800 loài thực vật bậc cao có mạch, hơn 400 loài động vật và 211 loài côn trùng. Trong đó, có nhiều loài động vật có tên trong Sách đỏ như: hổ, báo lửa, chà vá chân xám, vượn đen má vàng...
Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng họp bàn các giải pháp bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học
Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng họp bàn các giải pháp bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Ảnh: Hồng Thương
Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng, với sự đa dạng, phong phú về động-thực vật, trong đó có nhiều loài động-thực vật quý hiếm, Khu BTTN Kon Chư Răng đã được xếp loại A tầm quốc tế về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trước sự biến đổi khí hậu cùng với các mối đe dọa khác, một số loài thực vật và động vật tại đây có khả năng bị tuyệt chủng nếu không được bảo tồn kịp thời. Do đó, Ban Quản lý đã phối hợp với các tổ chức nghiên cứu, phân tích nguy cơ xâm hại, mức độ xâm hại và cô lập diệt trừ loài ngoại lai xâm phạm tại Khu Bảo tồn, đồng thời, xây dựng hơn 400 bộ tiêu bản thực vật bậc cao, hơn 800 ảnh màu các loại thực vật rừng để trưng bày, nghiên cứu và xây dựng vườn ươm rộng hơn 600 m2 để gieo ươm các loại cây nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu.
Ngoài ra, đơn vị cũng đã đề xuất kế hoạch điều tra, giám sát, bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trong giai đoạn 2021-2022 và các giai đoạn tiếp theo. Đơn vị cũng đang hợp tác với Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga xây dựng hệ thống tháp quan trắc sinh thái và đa dạng sinh học nhằm phục vụ nghiên cứu lâu dài. “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục siết chặt công tác bảo vệ rừng, đồng thời tích cực phối hợp để nghiên cứu sâu hơn về đa dạng sinh học để có các giải pháp bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học thiết thực như: bảo vệ rừng hỗn giao lá rộng, lá kim; quy hoạch bảo vệ các động vật thủy sinh và sinh cảnh của chúng; bảo tồn các loài động vật, đặc biệt là vượn má hung, voọc chà vá chân xám, các loài khỉ, cu li…”-Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng thông tin.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm