Điểm đến Gia Lai

Kon Pne thuở ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cho tới năm 1995 mà vẫn nghe nói xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai) chưa nhà báo nào đặt chân tới, lại nhân có giấy mời của ông Đặng Văn Cung-Giám đốc Công ty nước sạch, tôi xung phong đi ngay.
Cơn mưa dữ dằn trong đêm đã cuốn mất chiếc cầu gỗ qua suối. Người dẫn đường bảo: Vậy là chúng ta đành phải đi đường vòng. Vừa qua khỏi con dốc trơn nhẫy, chi chít những vết chân trâu đã bập ngay vào rừng già. Ngoài thị trấn Kbang, những cơn mưa cuối mùa chỉ còn thoi thóp, vậy mà ở đây vòm trời vẫn sũng nước khiến cái cảm giác ngôn ngốt khó chịu cứ chờn vờn trên da thịt. Bắp chân đã tê cứng mà chẳng thấy dấu hiệu nào là sự chấm hết của rừng già. Cứ miên man một màu cây, một màu sương xám ngắt… Khi lối mòn bắt đầu nhợt đi cũng là lúc sa vào xứ sở của vắt. Những con vắt xanh lè hăm hở bật mình tanh tách. Chúng tôi vừa đi vừa chạy, chân tay rã rời, hơi thở bật ra như kéo bễ. Cho đến xế trưa mới dừng lại ăn bánh mì để lấy sức vượt Kon HLăng-ngọn núi mà từ xa đã thấy cái chóp xanh ngắt của nó bồng bềnh giữa những dải mây màu trắng đục. Lối mòn vừa lọt người luồn lách giữa những thân đại thụ già khấc, trầm mặc. Cơ man là phong lan.
 Một góc xã Kon Pne. Ảnh: HÀ DUY
Một góc xã Kon Pne. Ảnh: Hà Duy
Từ những ngõ ngách đầy bí hiểm, chúng buông xuống những chùm hoa muôn sắc, làm sáng lên cái không gian xám ngắt phân vân một màu sáng tối… Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp cam rừng. Những cây cam rừng thân to xấp xỉ cột nhà lẫn với cây rừng. Chỉ còn nhận ra chúng ở nơi nào có trái rụng xuống. Những trái cam vàng ủng chua tái tê cả đầu lưỡi. Đồng bào dân tộc vẫn cho đây là những cây cam do nữ tướng Tây Sơn Bùi Thị Xuân trồng khi xưa. Lên dốc đã khó, xuống dốc lại càng khó hơn. Có những đoạn chúng tôi phải ngồi xổm tụt từng nấc một. Đã thấy Kon Pne hiện dần ra trước mắt. Trong màn sương tím nhợt, con sông Kon Pne như một vệt hồ loang giữa bốn bức tường thành của núi. Chúng tôi như tỉnh lại khi gặp chiếc chòi lúa đầu tiên. Những tưởng đã tới nơi, hóa ra đây mới là làng Kon HLăng. Lại phải luồn rừng 7 cây số nữa… Mãi tới 8 giờ tối, chúng tôi mới kéo lê được thân xác rã rời tới căn nhà bếp của UBND xã, ngã lăn ra chẳng thiết ăn uống gì.
Mặt trời xiên vào căn lều những tia nắng chói gắt, tôi mới sực tỉnh bởi giọng nói của ai đó rất to. Hóa ra Bí thư Đinh HMá tới thăm. Phân trần nỗi nhọc nhằn rồi hẹn tới chiều làm việc, ai cũng ngạc nhiên khi thấy ông cứ lắc đầu. Cuối cùng đành hẹn 7 giờ hôm sau. Ông gật đầu nhưng lại bảo: “Không có đồng hồ, không biết giờ”. Bạn tôi đành cởi chiếc đồng hồ điện tử bằng nhựa đeo vào tay ông… Cứ nghĩ “giờ đồng bào” chắc phải tới trưa, hóa ra 7 giờ không sai một phút, ông HMá đã tới. Hỏi vì sao hôm qua không chịu làm việc với anh em, ông bảo: Vì hôm qua có sấm, trời muốn mưa. Tôi trố mắt ngạc nhiên, ông gãi tai: Có sấm kiêng không làm việc. Yàng đang đưa hồn người chết về làng ma; chỉ đi chơi, uống rượu thì được. Ra thế!
Có tí hơi men, ông HMá đâm ra xởi lởi mà con số nào cũng nhớ vanh vách: Kon Pne có 258 hộ, 1.200 khẩu, thuần là dân tộc Bahnar. So với 8 năm trước đã tăng được 59 hộ với 242 khẩu. Nói điều này để mừng bởi trước năm 1977 dân số xã không tăng. Đất dư, nước thừa mà gần hết số hộ đều thuộc diện đói nghèo do chỉ biết trồng mỗi cây lúa rẫy. Năng suất đã thấp, chim chuột lại “thu hoạch” mất 2-3 phần. Nói về giáo dục thì người học cao nhất xã mới đến lớp 5. Trạm xá chỉ có 3 giường bệnh nhưng y sĩ luôn “thất nghiệp” bởi đau gì bà con cũng ở nhà cúng.
Ấy là chuyện nghèo, chuyện khổ của Kon Pne. Có kể cả ngày cũng khó hết… Ông HMá bỗng sực tỉnh sau dòng tâm sự như dốc ra từ gan ruột. Rồi ông cẩn thận tháo chiếc đồng hồ hôm qua toan trả. Thấy vậy, bạn tôi vội xua tay “Biếu anh để đi làm việc cho biết giờ”. Ông để chiếc đồng hồ lên bàn tay ngắm nghía có vẻ xúc động lắm.
Vượt núi trở ra, chúng tôi ghé vào Lâm trường Krong. Biết anh em vừa có chuyến lội rừng nhớ đời, Giám đốc Lâm trường đã cho làm ngay một bữa nhậu để giải mỏi. Giữa lúc mọi người đang nâng ly ồn ào chúc tụng, ông Đặng Văn Cung bỗng bật khóc to rồi nghẹn ngào nói qua tiếng nấc: “Tôi thương đồng bào quá…”. Thì ra, hồi chống Mỹ ông đã từng ở Kon Pne, được đồng bào nuôi nấng, che chở. Vì vậy, khi có chương trình nước sạch, ông đã dành ngay cho Kon Pne 1 suất. Đấy là công trình dân sinh đầu tiên mà Kon Pne được Nhà nước đầu tư…
Bây giờ thì ông Cung đã già yếu lắm. Có lẽ ông chẳng còn cơ hội nào trở lại Kon Pne để thấy sự đổi thay. Giá có phép màu cho ông khỏe lại để trở về chốn xưa, hẳn ông sẽ thốt lên một câu đầy cảm thán rằng: Đất ấy xưa là “ốc đảo”!
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm