Những khó khăn này được nêu ra trong buổi làm việc của tỉnh Kon Tum với Ủy Ban đối ngoại Quốc hội chiều 2-7.
Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội với lãnh đạo tỉnh Kon Tum chiều 2-7. |
Chiều 2-7, tại thành phố Kon Tum, Ủy Ban đối ngoại của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Kon Tum, giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia- Lào- Việt Nam trong khu vực tam giác phát triển.
Nằm trong khu vực tam giác phát triển, tỉnh Kon Tum có đường biên giới dài trên 292km giáp hai nước bạn Lào và Campuchia. Hiện địa phương có 1 cửa khẩu Quốc tế, 3 cửa khẩu phụ và 1 lối mở thông thương với nước bạn.
Thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia- Lào- Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Kon Tum đã ký kết 34 lượt thỏa thuận quốc tế dưới hình thức “Biên bản ghi nhớ ”; tổ chức thành công 3 Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác phát triển; hơn 7 năm qua có trên 2,5 triệu lượt người với 244.000 phương tiện xuất, nhập cảnh; kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu đạt 1 tỷ 191 triệu USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.340 tỷ đồng.
Các lĩnh vực hợp tác khác như văn hóa xã hội, phối hợp bảo vệ an ninh biên giới, đơn giản hóa thủ tục hành chính có kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên theo bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, địa phương cũng đang gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia- Lào- Việt Nam trong khu vực tam giác phát triển.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Trung ương đầu tư chưa nhiều, gần đây mới vận động thêm từ nguồn ODA Nhật Bản đầu tư hạ tầng giao thông. Tỉnh Kon Tum đã hình thành những vùng cây cao su nhưng tỉnh chưa có doanh nghiệp nào đầu tư chế biến các sản phẩm cao su.
Ngoài ra, cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, việc thiếu cơ chế điều phối chung Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) và chưa có sự phân công phối hợp giữa các địa phương nên hiệu quả chưa cao. Về phía bạn, do nguồn lực có hạn nên việc bạn tham gia cơ chế chung rất là hạn chế.
Tại buổi giám sát, Đoàn công tác Ủy Ban đối ngoại của Quốc hội cũng làm rõ thêm về tiến độ, thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các thỏa thuận, như: đối với việc thực hiện 12 chính sách ưu đãi; 8 chương trình quy hoạch phát triển tổng thể; vấn đề phát triển thương mại, du lịch vùng biên; việc tham gia thực hiện trang thông tin điện tử 3 nước…
Đoàn giám sát cũng ghi nhận một số kiến nghị, đề xuất của địa phương, như: ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng đường giao thông, chợ biên giới, chợ cửa khẩu; viện trợ nguồn ODA cho Lào để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội cụm bản Đăk Bar, huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông; hỗ trợ nguồn lực khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia; đưa Dự án hỗ trợ phát triển Khu vực biên giới- Tiểu dự án tỉnh Kon Tum vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2015- 2020.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên