Do phụ tải khu vực chưa cao, giá trị đầu tư lớn nên ngành điện chưa đầu tư xây dựng trạm biến áp 110kV Đắk Glei và đường dây 110kV Bờ Y- Đăk Glei. Sự chậm trễ này khiến hàng chục nhà máy thủy điện tại huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum lo lắng, ảnh hưởng xây dựng.
Ngày 12/8, UBND tỉnh Kon Tum vừa tiếp tục có văn bản gửi Tổng Công ty Điện lực miền Trung đề nghị xem xét, sớm triển khai đầu tư xây dựng trạm biến áp 110kV Đắk Glei và đường dây 110kV Bờ Y- Đắk Glei. Đây là năm thứ 2 liên tiếp UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị xây dựng tuyến điện này.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, việc đầu tư xây dựng trạm biến áp 110kV Đắk Glei và đường dây 110kV Bờ Y – Đắk Glei là rất cần thiết và cấp bách. Nhằm tạo thuận lợi cho việc đấu nối các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Đắk Glei, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đảm bảo tiến độ đầu tư các nhà máy thủy điện trong thời gian tới, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải huyện Đắk Glei,
Hiện tại, huyện biên giới Đắk Glei hiện có 18 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 180MW. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 1 dự án đã phát điện (thủy điện Đắk Pru 1, công suất 7MW). Hiện 17 dự án vẫn đang triển khai cầm chừng, nguyên nhân vì các công trình lưới điện 110kV, 220kV chưa được đầu tư theo tiến độ, quy hoạch, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội, cuộc sống của người dân hưởng lợi từ vùng dự án. Nhiều doanh nghiệp lo lắng, xây dựng xong nhưng hệ thống truyền tải điện không đáp ứng kịp.
Nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Đắk Glei xây dựng cầm chừng chờ xây dựng trạm biến áp 110kV Đắk Glei và đường dây 110kV Bờ Y- Đắk Glei. Ảnh: Lê Kiến |
Ông Nguyễn Văn Tứ - Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk Glei cho biết, việc xây dựng trạm biến áp 110kV Đắk Glei và đường dây 110kV Bờ Y- Đắk Glei là rất cần thiết, chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn rất mong mỏi. Một khi hệ thống truyền tải lưới điện đảm bảo sẻ góp phần ổn định sản xuất ở địa phương, thu hút doanh nghiệp đầu tư, góp phần bảo vệ giữ vững an ninh chính trị của huyện biên giới.
Tại xã Đắk Choong, có 3 dự án thủy điện trên địa bàn đang triển khai nhưng tiến độ vẫn chậm rãi do chờ hệ thống truyền tải điện. Theo ông Nguyễn Đình Nguyên - Chủ tịch UBND xã Đắk Choong, việc chậm triển khai xây dựng trạm biến áp và đường dây đã ảnh hưởng lớn hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Địa phương kỳ vọng lớn vào việc các thủy điện đi vào hoạt động sẽ thu hút, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn. Tuy nhiên trong lúc chờ dự án, nhiều thanh niên ở các làng trong huyện Đắk Glei dù được đào tạo nghề vẫn phải làm lao động tự do.
Liên quan vấn đề này, ngày 30/7 Công ty Điện lực Kon Tum đã có văn bản gửi Tổng Công ty Điện lực miền Trung về việc triển khai đầu tư xây dựng dự án trạm biến áp 110kV Đắk Glei và đấu nối theo đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum. Trước mắt, Công ty Điện lực Kon Tum trình dự án lên Tổng Công ty Điện lực miền Trung xem xét để quyết định đầu tư. Dự toán, tổng kinh phí đầu tư dự án trên 123 tỷ đồng, với chiều dài tuyến 16km, đấu nối vào đường dây của nhà máy điện gió Tân Tấn Phát.
Trước đây, dự án này đã được quy hoạch với chiều dài đường dây lên đến 28,3km. Nhưng do phụ tải khu vực chưa cao, giá trị đầu tư lớn nên ngành điện chưa triển khai. Hiện tại, nhà máy điện gió Tân Tấn Phát (công suất 50MW trên địa bàn huyện Đắk Glei) đang xây dựng có đường dây mạch đơn 110kV đấu nối về TBA 110kV Bờ Y dài 22,3km. Do vậy, việc đầu tư, xây dựng dự án trạm biến áp 110kV Đắk Glei và đấu nối về đường dây 110kV Bờ Y- Đắk Glei sẽ giảm xuống còn 16km sơ với 28,3km như trước đây.
Công ty Điện lực Kon Tum đánh giá, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án trạm biến áp 110kV Đắk Glei và đấu nối đường dây 110kV Bờ Y- Đắk Glei là cần thiết và phù hợp, góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải điện phát triển mạnh ở 2 huyện vùng biên giới tỉnh Kon Tum là Ngọc Hồi và Đắk Glei. Đồng thời, đảm bảo ổn định kết cấu lưới điện, phù hợp và đáp ứng các yêu cầu cấp điện hiện tại và tương lai.
Từ năm 2017, Bộ Công Thương đã quy hoạch dự án đầu tư xây dựng trạm biến áp 110kV Đắk Glei và đường dây 110kV Bờ Y- Đắk Glei, sẽ đưa vào vận hành năm 2018. Tuy nhiên đến nay dự án cấn thiết và cấp bách trên vẫn chậm triển khai.
Theo Lê Kiến (Dân Việt)