Du lịch

Kon Tum: Phản đối việc xây dựng thủy điện ở làng du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sở VH-TT-DL tỉnh và UBND TP.Kon Tum có ý kiến phản đối việc xây dựng thủy điện Đăk Bla 3 tại khu vực làng du lịch cộng đồng Kon K'tu.

Ngày 8.7, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum cho biết vừa có văn bản phúc đáp Sở Công thương tỉnh Kon Tum về việc kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về thủy điện Đăk Bla 3.

 

Người dân phản đối thủy điện Đăk Bla 3 vì lo ngại sẽ đánh mất cảnh quan của làng du lịch Kon K'tu. Ảnh: Đức Nhật


Theo Sở VH-TT-DL, hiện nay, tại xã Đăk Rơ Wa và xã Đăk Bla (TP.Kon Tum) có một số làng được xác định phát triển du lịch bao gồm: Làng Kon K’tu đã được công nhận làng Văn hóa du lịch cộng đồng và làng Kon Jơ Ri (sắp được công nhận làng du lịch).

Mặt khác, sản phẩm chính của khu vực này là du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, các hoạt động đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân gắn với dòng sông Đăk Bla như chèo thuyền, các loại hình tham quan trải nghiệm trên sông...

Qua khảo sát thực tế, Sở VH-TT-DL nhận thấy việc có quá nhiều dự án thủy điện tại khu vực được định hướng phát triển du lịch cộng đồng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, phá vỡ cảnh quan du lịch. Vì vậy, cơ quan này không thống nhất đối với việc triển khai dự án thủy điện Đăk Bla 3.

"Sở VH-TT-DL Kon Tum nhất quyết không đồng ý xây dựng thủy điện ở đây. Khi xây dựng đập thủy điện, sẽ làm mất đi cảnh quan, tạo nên đứt gãy trong chuỗi kết nối các hoạt động du lịch, do đó sẽ làm cho hoạt động du lịch tại Kon K’tu bị ảnh hưởng lớn, mất cơ hội việc làm của cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, nói.

 

Khi xây dựng đập thủy điện, sẽ làm mất đi cảnh quan, tạo nên đứt gãy trong chuỗi kết nối các hoạt động du lịch. Ảnh: Đức Nhật


UBND TP.Kon Tum cũng vừa có báo cáo Thường trực Thành ủy TP.Kon Tum các nội dung liên quan đến dự án thủy điện Đăk Bla 3.

Theo đó, UBND TP.Kon Tum chỉ ra những lo ngại về thủy điện Đăk Bla 3 như: Tuyến đường giao thông vào vị trí dự án thủy điện Đăk Bla 3 đi qua khu vực du lịch cộng đồng làng Kon K'tu. Do đó quá trình xây dựng sẽ phát sinh tác động môi trường tại khu vực này.

Cũng theo UBND TP.Kon Tum, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh có ý kiến tham gia về tác động của dự án là việc triển khai sẽ làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến sinh kế, ảnh hưởng đến khai thác du lịch cộng đồng làng Kon K'tu. Ngoài ra, giai đoạn thi công, vận hành dự án sẽ có tác động đến môi trường đất, nước, không khí và đa dạng sinh học. Trong đó, có các tác động chính như thay đổi lưu lượng dòng chảy về mùa lũ, mùa khô, gia tăng sạt lở, bồi lắng sông.

Như Thanh Niên đã phản ánh, vừa qua, Công ty CP đầu tư phát triển điện Chiến Thắng (Kon Tum) có văn bản gửi Sở KH-ĐT Kon Tum đề nghị thực hiện dự án đầu tư thủy điện tại TP.Kon Tum.

Cụ thể, công ty này sẽ thực hiện dự án thủy điện Đăk Bla 3 tại 2 xã Đăk Blà và Đăk Rơ Wa (TP.Kon Tum) trên diện tích dự kiến hơn 84 ha với công suất 8,6 MW. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 300 tỉ đồng. Dự kiến thủy điện sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý 4 năm 2022. Thủy điện Đăk Bla 3 có đập dâng và đập tràn trên sông Đăk Bla đoạn đi qua làng Kon K'tu, xã Đăk Rơ Wa.

Dự án thủy điện này cũng đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn Kon Tum. Tuy nhiên dự án đang vấp phải sự phản đối của người dân tại xã Đăk Rơ Wa. Đa số người dân cho rằng không nên làm thủy điện tại làng du lịch cộng đồng Kon K'tu. Bởi nếu dự án được xây dựng sẽ đánh mất vẻ đẹp nguyên sơ, không thu hút được khách du lịch đến tham quan.

 


Trước đó, Thanh tra Chính phủ xác định việc tỉnh Kon Tum phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa còn chưa quan tâm đúng mức đến việc ảnh hưởng tới môi trường, đất rừng. Địa phương này đã quy hoạch 81 công trình thủy điện, chiếm hơn 1.158 ha đất rừng. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là trên 951 ha, rừng phòng hộ 43 ha, rừng đặc dụng 163 ha. Việc quy hoạch này có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư. Mặc dù năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch, nhưng chỉ đạo này thực hiện chưa triệt để. Sau thời điểm ban hành văn bản, vẫn có 26 thủy điện được bổ sung quy hoạch trong năm 2020. Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cần rà soát, điều chỉnh, loại bỏ bớt các dự án thủy điện quy mô nhỏ và vừa, tránh nguy cơ xảy ra lũ lụt do thủy điện chiếm đất rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất tài nguyên rừng.

Theo Đức Nhật (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm