TN - Đất & Người

Kon Tum: Sạp hàng giá chỉ 10.000 đồng của trẻ em vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tất cả các sản vật như măng rừng, bầu, bí, rau rừng, khoai lang… đều bán với giá niêm yết 10.000 đồng. Đặc biệt, toàn bộ sản vật trên đều rất sạch bởi các em hái chủ yếu ở rừng.
Đó là những sạp hàng mini được dựng tạm 2 bên tuyến Quốc lộ 40B, ngay dưới chân đèo Măng Rơi giáp ranh 2 huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Điều đặc biệt, toàn bộ sản vật được bày bán tại các sạp hàng trên đều của những cô bé, cậu bé chỉ mới tròn 10 tuổi. Các sản vật như măng rừng, bầu, bí, rau rừng, khoai lang, sắn đã được làm sạch và bỏ vào túi nhỏ. Đặc biệt, tất cả mặt hàng này đều được niêm yết giá chỉ 10 nghìn đồng.
 
La liệt sản vật sạch với giá chỉ 10.000 đồng của trẻ em vùng cao (ảnh T.H)
La liệt sản vật sạch với giá chỉ 10.000 đồng của trẻ em vùng cao (ảnh T.H)
Khoảng 8-9h sáng, dọc theo tuyến đường này chúng tôi bắt gặp rất nhiều em nhỏ gùi những bó rau, quả bí hay những túi măng rừng non xanh lên sạp hàng bày bán. Theo người dân bản địa, có thể nói phiên chợ 10.000 đồng thường nhộn nhịp vào mùa hè. Lúc ấy, trẻ em Xơ Đăng thuộc các xã như Đăk Trăm, Văn Lem, Kon Đào (Kon Tum) thường đi vào rừng để hái măng rừng, rau rừng… rồi đến sạp hàng bày bán.
 
Những túi măng rừng do chính các em lên núi hái về ( ảnh T.H)
Những túi măng rừng do chính các em lên núi hái về ( ảnh T.H)
Những tiếng gọi mời, chào hàng của các em nhỏ người Xơ Đăng khiến chúng tôi không thể không để ý tới. Khuôn mặt nhỏ nhắn với ánh mắt hồn nhiên, Y Sin (10 tuổi, thôn Kơ Xia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) gọi mời chúng tôi: "Cô ơi mua măng rừng về luộc, ăn ngon lắm. Măng rừng đấy ạ".
Sạp hàng của Y Sin có khoảng 10 túi măng, 5 bó rau rừng, 1 vài trái bí, bầu, dứa…Những sản vật này đều được 2 chị em Y Sin và A Khươi (8 tuổi) chia và đóng túi cẩn thẩn.
 
Chỉ trong vòng buổi sáng 2 chị em Y Sin đã bán được gần 10 túi măng rừng (ảnh T.H)
Chỉ trong vòng buổi sáng 2 chị em Y Sin đã bán được gần 10 túi măng rừng (ảnh T.H)
Vừa nói chuyện với chúng tôi, Y Sin vừa giới thiệu những sản phẩm của mình kiếm được ở rừng: "Tất cả món hàng mà chúng em bày bán ở đây phần lớn đều lấy từ rừng, một số ít em hái trong vườn nhà. Cứ dịp hè về chúng em lại lên sườn núi hái về đóng túi rồi mang ra đây bày bán. Hôm nào hái được nhiều rau và măng ở rừng, em sẽ thu về từ 80.000 – 100.000 đồng. Số tiền này, hai chị em bỏ heo tiết kiệm để mua sách vở, quần áo đầu năm học mới".
 
Ngoài những sản vật lấy từ rừng, các em cũng lấy thêm bắp và củ mì ở nhà đi bán kiếm tiền phụ giúp bố mẹ (Ảnh P.T)
Ngoài những sản vật lấy từ rừng, các em cũng lấy thêm bắp và củ mì ở nhà đi bán kiếm tiền phụ giúp bố mẹ (Ảnh P.T)
Tương tự chị em Y Sin, ngay từ sáng sớm em Y Mây (9 tuổi, thôn Kơ Xia, xã Đăk Trăm) đã cùng các bạn lên rừng hái nấm, măng và rau rừng rồi đi bộ xuống những sạp hàng mi ni này để bày bán. Lý giải việc các mặt hàng ở đây đều bán với giá 10.000 đồng, em Y Mây cho biết: "Đa số các mặt hàng ở đây đều hái từ rừng về và hoặc do người Xơ Đăng tự trồng nên chỉ bán giá như vậy thôi. Với lại, từ khi có chợ này người ta đã bán như vậy rồi, nên ở đây mới có tên là chợ 10.000 đồng".
 
Để tới được chợ 10.000 đồng bày bán, dưới đôi chân trần các em phải di chuyển một đoạn đường rất dài (ảnh T.H)
Để tới được chợ 10.000 đồng bày bán, dưới đôi chân trần các em phải di chuyển một đoạn đường rất dài (ảnh T.H)
Được biết, khách hàng của chợ 10.000 đồng thường là cán bộ, công chức trên đường đi làm về ghé mua, người dân các khu vực lân cận hoặc cũng có thể là khách qua đường. Chị Trần Thị Nhung, công tác trong ngành giáo dục huyện Tu Mơ Rông, một khách hàng thường xuyên của chợ này chia sẻ: "Tôi thường xuyên mua các mặt hàng ở đây vì giá rẻ, các mặt hàng nông sản ở đây đảm bảo sạch, không hóa chất. Ngoài việc mua về dùng tôi còn mua gửi tặng bạn bè, người thân. Hơn nữa cũng giúp bà con, đặc biệt là những đứa trẻ có thêm nguồn thu nhập vì đa số họ còn nghèo, khó khăn".
 
Khách hàng của chợ 10.000 đồng là những vị khách qua đường hay cán bộ, công chức trên đường đi làm về (ảnh T.H)
Khách hàng của chợ 10.000 đồng là những vị khách qua đường hay cán bộ, công chức trên đường đi làm về (ảnh T.H)
Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) cho biết: "Chợ 10.000 đồng này đã tồn tại từ rất lâu. Tận dụng thời gian nghỉ hè, những đứa trẻ của 2 huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông thường vào rừng để hái rau rừng và đưa những thứ mình trồng được ra bán. Phiên chợ này đã tạo thu nhập cho những em học sinh trong những ngày cận kề năm học mới. Đồng thời, giới thiệu những đặc sản, thực phẩm sạch đối với du khách".
Thiên An (Dân Việt)
https://etime.danviet.vn/kon-tum-sap-hang-gia-chi-10000-dong-cua-tre-em-vung-cao-20210719020544394.htm

Có thể bạn quan tâm